a. Thoát vị đĩa đệm
Cột sống của cơ thể con người được cấu thành bởi 24 đốt sống kéo dài từ cổ đến thắt lưng. Giữa những đốt sống này có các đĩa đệm có chức năng nâng đỡ cột sống giúp cơ thể vận động dễ dàng, giảm rung xóc cho cơ thể và giúp cột sống tránh khỏi những chấn thương.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các bao xơ này trở nên yếu đi khiến nhân nhầy thoát ra, đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, chèn ép lên tủy sống hay rễ thần kinh xung quanh gây đau đớn cho người bệnh.
b. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Khu vực cột sống cổ do thường xuyên phải vận động cũng như chịu áp lực lớn nên các đĩa đệm tại đây rất dễ tổn thương và thoát vị. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây nên tình trạng đau cổ gáy. Trong đó, phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C5 C6.
Nguyên nhân gây ra đĩa đệm đốt sống cổ bị thoát vị có thể do những chấn thương, do việc sai tư thế nằm, ngồi; do sự lão hoá của những sợi collagen hay do công việc khi phải vận động vượt quá giới hạn hoặc tư thế làm việc gò bó, rung xóc...
Theo cơ chế sinh học, một đĩa đệm đã bị thoát vị sẽ không bao giờ có thể chữa khỏi hoàn toàn và trở về trạng thái như ban đầu, kể cả can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng đúng phương pháp chữa bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể phục hồi tốt đến 80-90%.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cổ
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được đánh giá là có nhiều khả năng gây ra biến chứng hơn so với thoát vị đĩa đệm thắt lưng bởi giữa 7 đốt sống cột sống cổ là các đĩa đệm thực hiện nhiệm vụ nâng đỡ, di chuyển và phân bổ lực, chính vì thế, một khi đĩa đệm cổ bị rách hoặc thoái hóa sẽ chèn ép vào tủy sống và rễ thần kinh, người bệnh lúc này sẽ khó khăn khi và vô cùng đau đớn.
Những nguyên nhân khách quan, chủ quan có thể gây ra bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bao gồm:
- Do thói quen lao động, sinh hoạt: Người bệnh bị sai tư thế khi lao động, ngồi làm việc trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cột sống và tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Đặc biệt, trong sinh hoạt hàng ngày, những thói quen như ngồi vẹo sang 1 bên, vừa nằm vừa xem tivi hay ngủ ngồi trên bàn làm việc... cũng là những nguyên nhân khiến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ;
Tư thế ngồi sai trong thời gian làm việc dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến cột sống
- Do tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cổ càng lớn. Trong giai đoạn từ 30 đến 50 tuổi xương của mỗi người bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa, đây chính là điều kiện thuận lợi dẫn tới thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Ngoài ra, ở những người cao tuổi thì sự đàn hồi và thành phần nước trong cơ thể sẽ bị giảm đi theo thời gian nên rất dễ mắc các bệnh về xương khớp;
- Do gặp phải chấn thương hay tai nạn: Những chấn thương này tác động mạnh vào cột sống làm cho các chất nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài và gây ra sự chèn ép;
- Do di truyền: Trong gia đình nếu như có người thân bị mắc các bệnh về xương khớp hay thoát vị đĩa đệm thì con cái cũng có khả năng bị di truyền bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Dấu hiệu tăng theo cấp độ
Các dấu hiệu của tình trạng đĩa đệm đốt sống cổ sẽ đặc trưng với 3 cấp độ tương ứng, mức độ và tần suất sẽ tăng dần theo tình trạng bệnh.
- Cấp độ 1: Lúc đầu, bệnh nhân cảm thấy đốt sống cổ bị cứng, khó xoay chuyển, hơi đau mỗi lần cúi xuống. Cơn đau lan dần xuống vai, đau hơn khi làm việc nặng, mức độ tăng dần từng ngày;
- Cấp độ 2: Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ không rõ ràng, cơn đau kéo dài từ gáy ra sau đầu và tai. Khi vận động liên quan đến cổ bị vướng và đau, có khi bị vẹo cổ;
- Cấp độ 3: Nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai. Đau, tê bì một bên hoặc cả hai bên cánh tay, mất cảm giác khéo léo của bàn tay. Thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng nấc cụt, ngáp chảy nước mắt, chóng mặt khi hoạt động.