Qua các trường hợp đó, tôi mới nhận ra rằng có lẽ đã có sự hiểu nhầm trong ba thuật ngữ: “khám (tìm) bệnh”, “tầm soát bệnh” và “khám sức khỏe tổng quát” - ở cả người thầy thuốc chứ không chỉ ở bệnh nhân.
Một trường hợp đơn cử. Một bạn trẻ 21 tuổi. Một ngày hẳn trời hanh, mẹ đưa cả nhà đi khám sức khỏe tổng quát. Em được cho làm tất cả hơn 20 xét nghiệm cả máu, nước tiểu và hình ảnh. Ngày nhận kết quả, em được chẩn đoán nhịp tim chậm và cần phải điều trị.
Em được bác sĩ kê đơn các loại thuốc kích thích làm tăng nhịp tim. Sau ba ngày dùng thuốc, em có cảm giác như bị “gắn điện” trong người. Lúc nào em cũng thấy không yên, bồn chồn, đánh trống ngực, đỏ phừng mặt, toát mồ hôi. Đêm ngủ không được. Hỏi rõ bệnh cảnh, tôi khuyên em dừng hết thuốc.
Người mẹ có vẻ phân vân với ý kiến ngược này. Sau nghe giải thích rõ ràng, mẹ và cháu làm theo. Hai hôm sau báo lại, cháu bình thường rồi.
Lý do: Em có nhịp tim chậm, có lẽ sinh ra đã thế, hoặc ở những người rèn luyện thể lực cũng gặp điều này. Em chưa bao giờ có biểu hiện bệnh tật gì. Khi làm điện tim có nhịp chậm quá không như bình thường, bác sĩ đã cho em uống thuốc tăng nhịp tim, mới gây ra triệu chứng vừa tác dụng phụ của thuốc, vừa bắt tim em làm việc quá mức.
Ai cũng biết rằng nhịp xoang chậm nếu không có triệu chứng thì đó lại là nhịp tốt, chứng tỏ tim của em hoạt động rất hữu hiệu. Một nhát bóp của tim em có thể bằng gần 2 lần bóp so với tim của bạn em.
Vai trò của y tế bao gồm hai chức năng căn bản: chữa bệnh và phòng bệnh. Theo tiến bộ của y khoa thì vai trò phòng bệnh ngày càng được đặt nặng hơn vì chữa bệnh có nghĩa là chuyện đã rồi. Quan trọng là làm thế nào ngăn chặn trước khi bệnh có thể xảy ra.
Mặt khác, bệnh tật không phải lúc nào cứ hễ có bệnh là mới có triệu chứng mà nhiều khi triệu chứng tiềm ẩn. Vì lý do đó mà việc tầm soát bệnh ra đời. Ngoài ra, một số ngành nghề trong xã hội đòi hỏi sức khỏe tốt về thể lực và tinh thần rất cao, điều đó phải được qua thăm khám kỹ lưỡng nên mới có khái niệm “khám sức khỏe tổng quát”.