Bệnh viêm da cơ địa là loại bệnh ngoài da phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều nhất ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Mọi người cần chú ý chăm sóc da đúng cách để phòng ngừa mắc và tái phát các bệnh ngoài da trong mùa này. Viêm da cơ địa rất dễ tái phát khi trời lạnh. Vậy đâu là nguyên nhân và cách phong tránh tình trạng này như thế nào.
Vì sao viêm da cơ địa dễ tái phát khi trời lạnh?
Mùa đông, thời tiết lạnh và hanh khô dễ khiến da dễ bị khô, ngứa, người bệnh gãi, cọ sát dễ gây trầy xước da và có khả năng bùng phát thành các đợt viêm da nặng.
Nguyên nhân là do thời tiết trở lạnh, hanh khô làm gia tăng tình trạng mất nước trên da, trong khi cơ thể lại không được bổ sung nước kịp thời vì thời tiết lạnh thường ngại uống nước. Khi đó, tình trạng mất nước kéo dài gây ra hiện tượng khô da, ngứa da.
Đặc biệt có nhiều người vì sợ lạnh nên tắm bằng nước quá nóng, sử dụng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao, do đó càng làm tăng mức độ mất nước ở da, làm da ngứa hơn trước. Càng ngứa, càng gãi nhiều, tổn thương da càng nghiêm trọng, bệnh tái phát và khó điều trị hơn.
Bên cạnh đó, môi trường sống cũng là một yếu tố đã được chứng minh có liên quan đến bệnh viêm da cơ địa tái phát, cụ thể làm tăng khả năng biểu hiện bệnh. Bệnh viêm da cơ địa rất thường xảy ra vào mùa lạnh, khi môi trường sống khô hanh và độ ẩm thấp. Viêm da cơ địa mùa đông thường đi cùng với nhiều tổn thương da, da khô hơn nên trở nên dễ kích ứng với các dị nguyên bên ngoài. Khi da mất dần độ ẩm, người bệnh thường có cảm giác ngứa, dẫn đến gãi làm da trầy xước và tổn thương nhiều lên. Quá trình này thường đưa đến hậu quả là các đợt cấp của viêm da từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc có xảy ra quá trình bội nhiễm do vi khuẩn hay không.
Da bị mất nước là do thời tiết lạnh khô, người bệnh thường không cảm thấy khát nên không cung cấp đủ nhu cầu nước hằng ngày. Một lý do khác được đưa ra để lý giải là nhiều người sử dụng nước quá nóng để tắm vì sợ lạnh, có hoặc không kết hợp với việc sử dụng các chất tẩy rửa có tính sát khuẩn mạnh làm mất độ ẩm của da. Mức độ ngứa tỷ lệ với mức độ mất ẩm trên da, khi đó người bệnh sẽ càng gãi nhiều và tổn thương da sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Phòng tránh viêm da cơ địa tái phát
Cũng như việc điều trị viêm da cơ địa, phòng ngừa bệnh tái phát còn gặp nhiều thách thức vì nguyên nhân gây bệnh cụ thể vẫn khó được xác định trong hầu hết các trường hợp. Một số biện pháp được các bác sĩ khuyến cáo thực hiện, có thể làm giảm khả năng xuất hiện bệnh và rút ngắn thời gian mắc bệnh như:
- Giữ ấm cơ thể, không để gặp lạnh đột ngột.
- Chỉ nên sử dụng nước ấm để tắm rửa và vệ sinh cơ thể hằng ngày, không dùng nước quá nóng gây khô, bong tróc da.
- Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh viêm da cơ địa hoặc các bệnh dị ứng khác thì không nên nuôi chó mèo vì lông của chúng cũng được xem là một tác nhân gây dị ứng trong nhiều trường hợp.
- Không ăn những loại thức ăn gây dị ứng đã biết rõ và hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, cá, sữa,..
- Không sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.
- Đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín khi có các triệu chứng bất thường. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị, nhất là việc tự ý bôi các thuốc kháng sinh và corticoid lên bề mặt da vì làm hạn chế việc điều trị chính thống sau này.
Giữ vệ sinh da sạch sẽ, hạn chế gãi hoặc chà xát làm tổn thương bề mặt da để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn. Có thể cắt ngắn móng tay ở trẻ để tránh gây trầy xước da.
Luôn ghi nhớ việc cấp ẩm, khóa ẩm cho da. Một khi da trở nên khô hơn, các thương tổn dễ tiến triển nặng nề hơn và mất nhiều thời gian để hồi phục.
Lựa chọn các loại quần áo làm từ chất liệu mỏng, mềm mại, ít kích ứng.
- Đảm bảo vệ sinh cho môi trường sống xung quanh. Môi trường trong lành, ít bụi bẩn và chất thải giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa một cách có hiệu quả.
Xử trí như thế nào khi bị viêm da cơ địa
Khi bạn bị viêm da cơ địa, nhất là vào mùa lạnh, bệnh rất dễ xuất hiện và tái phát. Vì vậy cách tốt nhất để làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát gây ngứa ngáy, khó chịu bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị sớm, đúng cách, tránh để xảy ra biến chứng.
Bên cạnh đó, bạn cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh làn da sạch sẽ, không nên dùng các loại nước hoa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và chứa các thành phần gây kích ứng với da của mình.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn các thực phẩm gây dị ứng (với những người bị dị ứng với thực phẩm nào đó) và nên uống nhiều nước.