Vắc xin có hiệu quả đối với các biến thể virus mới?
SAGE đã đánh giá mọi dữ liệu hiện có về hiệu lực của vắc xin trong bối cảnh xuất hiện các biến thể virus mới. Hiện tại SAGE khuyến cáo sử dụng vắc xin AstraZeneca theo lộ trình ưu tiên của WHO, thậm chí ngay cả khi các biến thể của virus đã xuất hiện ở quốc gia đó; các quốc gia cần đánh giá rủi ro, lợi ích và cân nhắc tình hình dịch Covid-19 trong nước.
Các biến thể virus và tác động tiềm ẩn đến hiệu quả vắc xin và sẽ được WHO nghiên cứu và cập nhật khuyến cáo phù hợp.
Nghiên cứu mới nhất đăng trên The Lancet tháng 3/2021 là một phân tích gộp những nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện tại Anh, Brazil và Nam Phi đánh giá hiệu lực vắc xin Astra Zeneca sau một liều tiêm và tính sinh miễn dịch của vắc xin liên quan đến khoảng cách thời gian tối ưu giữa hai lần tiêm.
Như vậy, với một liều tiêu chuẩn của vắc xin Astra Zeneca giảm 76% nguy cơ bệnh COVID-19 có triệu chứng trong 90 ngày đầu tiên sau khi tiêm chủng, và sự bảo vệ được duy trì cho đến liều tiêm thứ hai. Đồng thời nghiên cứu cũng báo cáo rằng một liều tiêm giúp giảm 100% những ca bệnh phải nhập viện.
Nghiên cứu cũng cho thấy, với khoảng cách giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực bảo vệ của vắc xin Astra Zeneca tăng lên đến 82%.
Vắc xin có phòng ngừa được việc mắc và lây truyền Covid-19
Chưa có nhiều dữ liệu về tác động của vắc xin AstraZeneca đối với việc lây truyền virus.
Tính đến 19/4/2021, vắc xin AstraZeneca đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người khỏi các nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng của Covid-19, bao gồm tử vong, nhập viện và mắc bệnh nặng.
Trong thời gian này, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng Covid-19 hiệu quả như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, rửa tay, không tụ tập đông người, đảm bảo thông thoáng khí.
Vắc xin astrazeneca phòng covid-19 hoạt động như thế nào?
Sau khi tiêm, vắc xin sẽ đưa gen vào các tế bào trong cơ thể. Các tế bào này sẽ sử dụng gen để tạo ra protein gai. Khi đó, hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết đây là protein ngoại lai rồi tạo ra kháng thể (từ “tế bào B”) và kích hoạt các tế bào bạch cầu cụ thể (gọi là “tế bào T”) để tấn công các protein ngoại lai này.
Sau này, nếu nhiễm vi rút SARS-CoV-2, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra và sẵn sàng bảo vệ cơ thể chống lại vi rút đó.
Vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 không chứa vi-rút Covid-19 và không thể gây bệnh Covid-19. Adenovirus trong vắc xin không thể sản sinh và không thể gây bệnh.
Phản ứng sau tiêm của vắc xin AstraZeneca:
Các phản ứng ngoại ý thường được ghi nhận là nhạy cảm đau chỗ tiêm (> 60%); đau chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi (> 50%); đau cơ, khó chịu (> 40%); sốt, ớn lạnh (> 30%); và đau khớp, buồn nôn (> 20%).
Phần lớn các phản ứng ngoại ý ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường hết vài ngày sau khi tiêm. Đến ngày thứ 7, tỷ lệ các đối tượng có ít nhất một phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân tương ứng là 4% và 13%. Khi so sánh với liều đầu tiên, các phản ứng ngoại ý được báo cáo sau liều thứ hai nhẹ hơn và ít xảy ra hơn.
Các phản ứng ít gặp (≥ 1/1.000 đến < 1/100) bao gồm:
+ Nổi hạch
+Giảm cảm giác thèm ăn
+ Chóng mặt
+ Đau bụng
+ Tăng tiết mồ hôi; ngứa tại vị trí tiêm
Những đối tượng có thể được tiêm phòng vắc xin?
Những người có bệnh lý nền, vì họ có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hơn, bao gồm: béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và đái tháo đường.
Những người đang chung sống với HIV hoặc mắc các bệnh tự miễn hoặc bị suy giảm miễn dịch (cần được bác sĩ tư vấn đầy đủ trước tiêm).
Những người đã từng mắc Covid-19. Tuy nhiên nếu chưa đủ nguồn vắc xin có thể hoãn việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 khoảng 6 tháng sau khi nhiễm Covid-19 để trao cơ hội cho những người cần gấp hơn.
Phụ nữ đang cho con bú nếu thuộc nhóm ưu tiên được tiêm. WHO không khuyến cáo ngưng cho con bú mẹ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19
Người cao tuổi, bao gồm những người từ 65 tuổi trở lên.