Lý giải về hiện tượng chậm kinh nguyệt
Chậm kinh (hay trễ kinh) là biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Đây là hiện tượng có biểu hiện đơn giản, khi đến kỳ hành kinh nhưng phụ nữ vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh là sự thay đổi bình thường được lặp đi lặp lại mỗi tháng. Thông thường thì chu kỳ kinh diễn ra đều từ 28-32 ngày.
Nếu quá 35 ngày tính từ ngày hành kinh của người phụ nữ mà vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại thì gọi là chậm kinh. Mặt khác, khi chị em lỡ mất ít nhất ba kỳ kinh nguyệt liên tiếp thì được kết luận là vô kinh.
Những nguyên nhân gây trễ kinh mà không có thai
Trễ kinh mà không có thai có thể do những nguyên nhân sau:
1.1. Cân nặng thay đổi đột ngột
Sự tăng hoặc giảm cân nhanh chóng khiến cơ thể không kịp thích ứng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân là do sự thay đổi đột ngột của tỷ lệ chất béo khiến nội tiết tố mất cân bằng, tùy vào mức độ rối loạn này mà kỳ kinh của bạn đến muộn hay ngưng hoàn toàn.
1.2. Tinh thần căng thẳng
Não bộ con người được chia thành nhiều khu vực nhỏ có nhiệm vụ khác nhau, trong đó vùng dưới đồi là nơi tiếp nhận và thực hiện các phản ứng căng thẳng. Nghĩa là khi tinh thần căng thẳng, não sẽ gửi tín hiệu tới hệ thống nội tiết để tăng giải phóng hormone cùng phản ứng “chống trả” hoặc “bỏ chạy”.
1.3. Chế độ ăn uống, luyện tập thiếu lành mạnh
Những thói quen thiếu lành mạnh sau ảnh hưởng trực tiếp đến nội tiết tố và chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ:
Tiêu thụ quá nhiều thức uống chứa cồn hoặc caffeine.
Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu chất.
Chế độ tập luyện khắt khe, làm việc quá sức.
1.4. Cho con bú
Sau khi sinh con một thời gian, người phụ nữ sẽ có kinh nguyệt trở lại bình thường. Tuy nhiên việc cho con bú hàng ngày có thể ảnh hưởng nhất định đến điều hòa nội tiết tố và duy trì kinh nguyệt ổn định. Đặc biệt là trong những tháng đầu, em bé cần bú đêm nhiều khiến mẹ thường xuyên thức giấc, ngủ không đều có thể là nguyên nhân cản trở chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện.
1.5. Tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai và thuốc
Các phương pháp tránh thai hiện nay thường sử dụng ở người phụ nữ như: đặt vòng, uống thuốc tránh thai,… cũng gây ảnh hưởng nhất định đến nội tiết tố và chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị khác cũng có thể dẫn đến trễ kinh như: thuốc chống dị ứng, thuốc điều trị huyết áp,…
Cần làm gì khi trễ kinh mà không có thai?
Nếu bạn đã dùng que thử thai trước đó nhưng kết quả âm tính, hãy chờ một vài ngày và kiểm tra lại lần nữa. Khi tình trạng trễ kinh hoàn toàn không do mang thai, hãy đi khám sản phụ khoa sớm để được tư vấn, xét nghiệm chẩn đoán tìm nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
Tùy từng nguyên nhân mà có thể bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện, uống thuốc hoặc đơn giản là thực hiện một lối sống lành mạnh hơn. Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn rất quan trọng với sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của người phụ nữ. Vì thế hãy lưu ý những điều sau:
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng với lượng vừa đủ, sao cho lượng calo tiêu thụ hàng ngày phù hợp với lượng calo mất đi.
Hạn chế thực phẩm có hại như: thức uống có cồn, thức uống chứa caffeine, thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo hay thực phẩm ngọt chứa nhiều đường.
Nên tập thể dục thường xuyên, điều độ, không nên tăng giảm tần suất một cách đột ngột.
Giữ cân nặng ổn định là chìa khóa giúp phụ nữ duy trì vẻ đẹp hình thể cũng như sức khỏe từ bên trong.
Ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng, tạo thói quen ngủ trước 11 giờ đêm, không thay đổi lịch sinh hoạt đột ngột khiến hoạt động sinh lý của cơ thể không ổn định.
Thư giãn tinh thần, hạn chế lo âu, căng thẳng quá mức.
Hiện tượng trễ kinh mà không có thai thường không quá nguy hiểm, nếu khám và điều trị khắc phục được nguyên nhân, kinh nguyệt sẽ sớm trở lại. Để chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, chị em phụ nữ cần lưu ý chăm sóc bản thân với những lưu ý trên. Nếu thấy trễ kinh từ 4 - 6 tuần, nên chủ động thăm khám điều trị sớm, tránh để kéo dài dẫn đến vô kinh.
Làm sao để giảm nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt?
Sau đây là một vài lời khuyên giúp giảm bớt khả năng bị rối loạn kinh nguyệt mà bạn nên áp dụng thử:
- Cố gắng duy trì lối sống lành bằng cách tập luyện thể dục đều đặn, vừa phải cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ
- Thực hiện các biện pháp giúp thư giãn cơ thể và giảm bớt căng thẳng
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các biện pháp tránh thai theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Thay băng vệ sinh sau khoảng 4–6 giờ để tránh nhiễm trùng và hội chứng sốc độc tố
- Thăm khám phụ khoa thường xuyên, định kỳ