Trầm cảm sau sinh (PPD) là một trong những rối loạn tâm trạng sau sinh hay gặp nhất, đặc biệt ở tháng đầu tiên sau sinh. Chứng bệnh này có thể kéo dài nhiều năm nếu không được chẩn đoán và điều trị.
Theo Hội Tâm thần học Mỹ, trầm cảm sau sinh thường gặp ở 8-15% sản phụ. Nguy hiểm hơn, có đến một nửa trong số đó không hay biết mình đang mắc bệnh, dẫn đến hậu quả đáng tiếc như mẹ bị trầm cảm mãn tính về sau, lây trầm cảm sang cả người cha. Đối với đứa trẻ, chúng có thể bị chậm phát triển ngôn ngữ cũng như thay đổi cảm xúc, hành vi khi lớn lên.
Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh gia đình vì đàn ông cũng có thể mắc. Ước tính có khoảng 10% người cha trải qua tình trạng này với những triệu chứng tương tự như các bà mẹ như buồn chán, mệt mỏi, lo lắng…
Nguyên nhân và dấu hiệu
Thông thường, trầm cảm sau sinh là kết quả của một hoặc nhiều trong số những nguyên nhân sau:
- Người mẹ có tiền sử trầm cảm, hoặc bị trầm cảm trong khi mang thai.
- Có thành viên trong gia đình đã bị trầm cảm hoặc mắc các chứng rối loạn tâm trạng khác.
- Mang thai không theo dự tính, không mong muốn hoặc sinh đôi, sinh ba.
- Người mẹ đã trải qua những sự kiện căng thẳng trong thời gian trước khi mang thai như bệnh tật, áp lực tài chính.
- Em bé sinh ra có vấn đề về sức khỏe hoặc có nhu cầu chăm sóc đặc biệt.
- Người mẹ đang gặp vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng hoặc các mối quan hệ khác.
Dấu hiệu xác định bệnh bao gồm: Rối loạn ăn uống và giấc ngủ, không ăn trong vài ngày vì không cảm thấy đói hoặc ăn không ngừng. Ngủ mọi lúc hoặc không thể ngủ ngay cả khi có thời gian để ngủ. Luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và không thể giải quyết được tình trạng này. Cảm giác tội lỗi và xấu hổ liên tục xuất hiện, luôn có ý nghĩ mình là một người cha, người mẹ không tốt, luôn cảm giác là không làm đúng mọi việc. Thậm chí biểu hiện còn có xuất hiện suy nghĩ về việc làm hại bản thân hoặc em bé, thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
Những người bị trầm cảm thường không nhận ra hoặc không thừa nhận họ đang mắc bệnh. Nếu nghi ngờ một người bạn hay người thân của mình bị trầm cảm sau sinh thì hãy giúp họ tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, không nên chờ đợi và hy vọng tình trạng cải thiện.
Cách thức điều trị
Để điều trị trầm cảm, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau: liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon, thuốc chống trầm cảm.
Liệu pháp tâm lý: Tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm là một phương pháp điều trị có hiệu quả. Đây là liệu pháp được chọn lựa đầu tiên vì không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Liệu pháp hóc môn: Sử dụng hóc môn estrogen thay thế đôi khi có hiệu quả đối với trầm cảm sau sinh. Hóc môn estrogen được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm.
Sử dụng thuốc: Đối với trường hợp trầm cảm nặng, bà mẹ không thể chăm sóc được bản thân mình và con thì cần sử dụng thuốc chống trầm cảm. Nếu đang cho trẻ bú mẹ thì phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Trong quá trình điều trị, điều quan trọng nhất là sự quan tâm, chia sẻ của người chồng, sự giúp đỡ của cha mẹ, người thân.
Biện pháp phòng tránh
Nếu bạn có tiền sử trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh, hãy chia sẻ với bác sĩ khi có kế hoạch mang thai hoặc ngay khi phát hiện mình mang thai. Sau khi sinh, các sản phụ nên khám sức khỏe sau sinh sớm để sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm. Thực hành lối sống lành mạnh, luyện tập các bài thể dục phù hợp, nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống hợp lý, tránh uống rượu và chất kích thích.
Để chăm sóc tốt cho bé thì điều đầu tiên và rất quan trọng là người mẹ phải quan tâm chăm sóc bản thân. Mẹ khỏe mạnh và vui vẻ thì mới có thể chăm sóc con cái thông minh và mau lớn. Mẹ cũng nên không đặt quá nhiều kỳ vọng vào mọi việc và tránh tự tạo áp lực cho mình, biết dành thời gian cho bản thân. Hãy để người chồng hay người giúp việc chăm sóc bé để thỉnh thoảng người mẹ có thể đi ra ngoài, đi mua sắm. Người mẹ có thể tâm sự với chồng, với người thân, với bạn bè về những cảm giác không thoải mái, lo lắng, chia sẻ với các bà mẹ khác về kinh nghiệm nuôi con.