Chính phủ giao Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine COVID-19 cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp...
Tháng 8- 9 sẽ về hơn 12 triệu liều vaccine từ các nguồn
Ngày 13.8, lô AstraZeneca hơn 1,1 triệu liều đã về tới TPHCM, nâng tổng số vaccine COVID-19 hiện có của cả nước lên trên 20,5 triệu liều.
Tính đến ngày 12.8, Việt Nam nhận được hơn 20,5 triệu liều ngừa COVID-19 từ nhiều nguồn, trong đó Covax hỗ trợ gần 9,2 triệu liều. Việt Nam đặt mua qua VNVC hơn 5 triệu liều. Nguồn được tặng là hơn 3,7 triệu liều; 1 triệu liều Sinopharm đặt mua và hơn 1,2 triệu liều Pfizer.
Trong khi đó, nhu cầu vaccine của Việt Nam tính đến tháng 6.2022 là thời điểm kết thúc chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam cần 170 triệu liều vaccine COVID-19, nhằm tiêm chủng cho người dân trên diện rộng, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, trong 2 tháng 8 và 9.2021 sẽ có hơn 12 triệu liều vaccine từ các nguồn về Việt Nam. Dự kiến vaccine sẽ về gồm trên 10 triệu liều AstraZeneca, trên 2 triệu liều Pfizer và có thể có thêm. Đặc biệt trong quý 4, lượng sẽ về dồn dập, trong đó riêng Pfizer khoảng 4,7 triệu liều. Với các thỏa thuận nhập khẩu đã kí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu cần tập trung thúc đẩy đối tác giao sớm nhất có thể, hạn chế việc về quá muộn và dồn dập dẫn đến quá hạn.
Trong Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mới được ban hành, Chính phủ giao Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ.
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ.
Tập trung vào các đối tượng ưu tiên, người dân vùng có dịch
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế - cho biết: "Việt Nam cần nhiều vaccine COVID-19 để tiêm phòng cho người dân nhưng hiện nay vaccine vẫn còn khan hiếm, nguồn cung vaccine khó khăn, việc tiếp cận vaccine hầu hết phải phụ thuộc vào tiến độ cung ứng của nhà sản xuất nên Việt Nam đang tập trung tiêm cho các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là người dân vùng có dịch".
Trong việc phân bổ vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ đã phân bổ cho các viện và địa phương khoảng trên 18 triệu liều vaccine cho 18 đợt. Tốc độ tiêm chủng vaccine của các địa phương có nhanh hơn so với trước đó, tuy nhiên nếu tính tỉ lệ so với số vaccine đã được phân bổ thì vẫn thấp.
Về vấn đề triển khai tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là không trông chờ, lựa chọn vaccine mà vaccine về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó.
"Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính về công tác phòng chống dịch, trong đó có tiêm vaccine COVID-19"- Thứ tưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Vắc-xin Nano Covax có kết quả thử nghiệm khả quan
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong sáng 7-8, Bộ Y tế sẽ họp hội đồng thẩm định pha 2 vắc-xin Nano Covax và sẽ có thông báo chính thức với báo chí.
Đến thời điểm hiện tại, Nano Covax là vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3. Nhóm nghiên cứu đang hoàn tất tiêm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng pha 3b, dự kiến hoàn tất trước ngày 15-8.
Cùng với việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện đối với vắc-xin Nano Covax, Công ty Nanogen kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét việc triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c (tiêm vắc-xin Nanocovax cho khoảng 500.000 - 1 triệu người), và cho triển khai nghiên cứu trên trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sau khi được cấp phép.
Ngày 2-8 vừa qua, Bộ Y tế đề nghị Công ty Nanogen gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu pha 2 và bước đầu pha 3 trước ngày 15-8, từ đó Bộ Y tế có số liệu gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.