Thế nào là rối loạn kinh nguyệt?
Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng chu kỳ kinh xảy ra không đều. Số ngày và lượng máu kinh có biểu hiện bất thường so với các chu kỳ thông thường trước đó. Đây là triệu chứng có thể xảy ra ở mọi phụ nữ, nhất là trong độ tuổi mới dậy thì, mới sinh con xong hoặc tiền mãn kinh,…
Khi bị rối loạn kinh nguyệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng sinh lý và chức năng sinh sản làm mẹ của phụ nữ nếu không điều trị kịp thời. Chính vì vậy, chị em không nên chủ quan khi thấy có biểu hiện kinh nguyệt bị rối loạn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ
– Do chế độ dinh dưỡng: Tình trạng chị em bị thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống thất thường, cơ thể không được cung cấp đủ các chất vitamin, khoáng chất… gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
– Do chế độ sinh hoạt, học tập làm việc: Áp lực công việc, stress, căng thẳng, mệt mỏi; tần suất làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý, lối sống không có quy luật làm cho chu kỳ kinh không ổn định, gây ra các rối loạn như kinh nguyệt không đều, rong kinh…..
– Do chất kích thích: Sử dụng nhiều chất kích thích rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện… làm cho chu kỳ kinh nguyệt không đều và gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.
– Sử dụng thuốc: một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, giảm cân…. Sẽ làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em.
– Mất cân bằng nội tiết tố: Sự mất ổn định nôi tiết tố ở giai đoạn dậy thì và thiếu hụt estrogens ở thời kỳ tiền mãn kinh là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt.
– Một số chị em mắc các bệnh phụ khoa, u nang buồng trứng thường có biểu hiện ban đầu là việc kinh nguyệt không đều, bị rối loạn.
– Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng bị rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ như: rối loạn tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung, bệnh lây qua đường tình dục…
Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt
Những biểu hiện bất thường về chu kỳ kinh nguyệt không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên bạn vẫn nên chú ý khi gặp phải một số biểu hiện bất thường sau của rối loạn kinh nguyệt.
Bất thường về chu kỳ kinh : Là khi vòng kinh của bạn dài trên 35 ngày (kinh thưa) hay ngắn dưới 22 ngày (kinh mau), thậm chí là không có kinh từ 6 tháng trở lên (vô kinh).
Bất thường về máu kinh: Là những bất thường về số lượng và ngày có kinh.
- Cường kinh: còn gọi là băng kinh, lượng máu kinh > 20ml/kỳ.
- Thiểu kinh: số ngày có kinh < 2 ngày và lượng kinh< 20ml/kỳ.
- Rong kinh: số ngày có kinh > 7 ngày.
Màu kinh: Thường là máu đỏ thẫm, có mùi hơi tanh, không đông, nếu máu kinh có lẫn máu cục hoặc máu đỏ tươi hay hồng nhạt là bất thường.
Bất thường về triệu chứng khác kèm theo khi đến chu kỳ kinh nguyệt: Trong đó, các bất thường về kinh nguyệt, thống kinh là hiện tượng phổ biến nhất, thường có triệu chứng đau bụng dưới khi hành kinh. Nếu đau, cơn đau có thể xuyên ra cột sống, lan xuống đùi và lan ra toàn bụng. Ngoài ra có thể thấy đau lưng kèm theo tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động.
Những hậu quả của rối loạn kinh nguyệt
Nếu đã mắc phải trường hợp này thì bạn không thể bỏ qua những hậu quả của rối loạn kinh nguyệt sẽ gây ra đối với cơ thể.
Rối loạn kinh nguyệt là nguyên nhân gây khó thụ thai dẫn đến vô sinh:
Kinh nguyệt không đều là biểu hiện của sự bất thường ở việc rụng trứng, nên chị em thường khó thụ thai hơn bình thường. Chị em đều biết việc tính ngày trứng rụng là ngày dễ có thai nhất, vì vậy hậu quả của kinh nguyệt không đều là khó tính được ngày trứng rụng, ảnh hưởng trực tiếp tới việc có em bé.
Các hiện tượng rối loạn kinh nguyệt trễ kinh, rong kinh do bệnh phụ khoa như viêm cổ tử cung, tắc ống dẫn trứng, nang noãn không phát triển… gây ra chất lượng trứng kém, tinh trùng khó gặp trứng để thụ thai. Hiện nay, số lượng chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị hiếm muộn, vô sinh do rối loạn kinh nguyệt có xu hướng ngày càng tăng lên.
Những hậu quả của rối loạn kinh nguyệt ảnh hưởng tới sức khỏe:
Đầu tiên phải kể tới cảm giác mệt mỏi, khó chịu, tâm lý hay cáu gắt, khó tập trung khi chị em phụ nữ mắc phải các triệu chứng rong kinh, đau bụng kinh… khi tới tháng.
Hậu quả của rối loạn kinh nguyệt như máu ra nhiều, đau bụng dữ dội, chóng mặt, buồn nôn… mỗi khi tới tháng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, khiến chị em không thể đi học, đi làm và tham gia các hoạt động xã hội khác.
Rối loạn kinh nguyệt còn gây ra tình trạng thiếu máu khi lượng máu kinh mất trong kỳ kinh quá nhiều, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động của não, tim mạch, xương khớp. Biểu hiện của thiếu máu là da xanh tái, mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu thường xuyên.