- Tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở các nước đã phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như tim mạch, mắt, thần kinh... Số người mắc bệnh tiểu đường càng tăng thì tỷ lệ người tiểu đường có biến chứng thận (suy thận) cũng tăng theo.
Huyết áp cao nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ gây biến chứng suy thận. Đầu tiên sẽ gây ra tiểu đạm (đạm niệu), sau đó sẽ gây ra suy thận.
Một số thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp. Việc sử dụng các thuốc này cần được hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ.
Dưới đây là một số thuốc thường gặp có thể gây ngộ độc cho thận: thuốc kháng viêm không steroid, kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc kháng lao, hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc...
Uống nước ngọt và nước có ga sẽ khiến nồng độ pH trong cơ thể bị thay đổi, mà thận là cơ quan chính để điều chỉnh độ pH của cơ thể. Vậy nên, khi uống các loại nước trên trong thời gian dài và liên tục sẽ tạo gánh nặng cho thận và làm tăng xác suất hư hại thận.
Bánh ngọt chứa nhiều chất phụ gia để làm bánh mềm và thơm ngon hơn. Nhưng những chất này sẽ tác động xấu cho hệ thần kinh trung ương, máu và thận.
Chế độ ăn mặn với quá nhiều muối dễ gây ra huyết áp cao. Khiến lượng máu trong thận khó lưu thông ổn định, dẫn đến những tổn hại cho sức khỏe của thận.
Một số bệnh lý nhiễm trùng có thể gây biến chứng và suy thận. Thí dụ viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao có thể gây sốc nhiễm khuẩn và suy thận cấp.
Một số chấn thương nặng, gây dập nát cơ có thể gây suy thận cấp tính. Ong đốt, rắn cắn, ngộ độc mật cá trắm cỏ... vẫn còn là các nguyên nhân gây suy thận cấp ở một số vùng nông thôn ở nước ta.
Tuổi càng cao, chức năng của thận càng giảm. Vì vậy khi có một yếu tố tác động vào cũng dễ xảy ra suy thận.