COVID-19 là bệnh đường hô hấp do coronavirus gây ra. Một số người bị nhiễm bệnh nhưng không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Hầu hết mọi người sẽ có các triệu chứng nhẹ và tự khỏi. Nhưng khoảng 1 trong 6 trường hợp sẽ bị trở nặng, chẳng hạn như khó thở. Tỷ lệ trở nặng cao hơn nếu bạn lớn tuổi hoặc có các bệnh khác như tiểu đường hoặc hen suyễn.
Hội chứng Covid kéo dài là gì?
Khả năng xuất hiện các triệu chứng kéo dài không liên quan đến mức độ bệnh khi nhiễm siêu vi SAR-CoV2, cụ thể nhiều người bệnh COVID nhẹ vẫn có thể gặp vấn đề lâu dài sau hồi phục COVID-19.
Theo đó, các triệu chứng COVID kéo dài sau khi khỏi bệnh thường gặp gồm ho kéo dài; đau họng, khô họng, như có dị vật ở họng, nuốt vào không trôi mà khạc không ra; thay đổi khứu giác hoặc vị giác: giảm cảm giác khi ăn uống, dẫn đến không muốn ăn, suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, còn có triệu chứng chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế hoặc liên tục, có thể kèm cảm giác buồn nôn, nôn; cảm giác châm chích cơ thể; đau nhức các khớp; trầm cảm và lo âu; ù tai, đau tai; các rối loạn tiêu hóa; rối loạn thân nhiệt; phát ban da.
Người dễ bị hội chứng Covid-19 kéo dài sau khi khỏi bệnh
Những trường hợp hay gặp hội chứng này là người lớn tuổi, có bệnh nền, bệnh nặng, có biến chứng, phải nằm viện lâu, nằm khu hồi sức tăng cường. Ở những bệnh nhân nhẹ ít gặp hội chứng này hơn.
Do đó, dù đã khỏi bệnh, người dân vẫn phải chú ý nâng cao sức khỏe của mình. Một số biện pháp giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng như:
Duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm tĩnh tại, khiến cơ thể trì trệ. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại, thiết bị điện tử liên tục trong ngày.
Kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn. Bạn nên chú ý cung cấp nhiều chất xơ, rau quả. Trong các nguyên tố vi lượng, kẽm đặc biệt cần bổ sung ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng: mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. Với dạng viên uống, người dân có thể bổ sung từ 30-100 mg kẽm nguyên tố/ngày kéo dài 2-3 tháng tùy tình trạng cơ thể. Kẽm có trong các loại thức ăn như: hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá… Bên cạnh đó, bạn nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu kẽm.
Ngoài ra, người từng mắc Covid-19 vẫn cần duy trì tập các bài tập thở. Đối với trường hợp có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức. Thời gian tập duy trì 15-30 phút/ngày. Trước khi tập, bạn có thể kết hợp các bài kéo giãn cơ, khởi động khớp, kèm dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo giãn hết tầm vận động của cơ quan này.
Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để tăng hiệu quả.
Trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp giảm sự lo lắng. Người bệnh có thể tìm đến các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu có vấn đề lo lắng, đau buồn kéo dài.
Nếu các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến cơ sở y tế có điều trị hội chứng này để được thăm khám và điều trị sớm.
Người khỏi bệnh có nên tiêm vaccine?
Đến nay, khá nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo được các kháng thể trung hòa virus giúp bảo vệ bạn không tái nhiễm.
Thời gian bảo vệ tùy theo từng nghiên cứu. Có nghiên cứu cho rằng kháng thể trung hòa ổn định trong ít nhất 5-7 tháng sau khi nhiễm. Một nghiên cứu khác cho thấy thời gian này là 12 tháng hoặc hơn nữa. Đó cũng chính là cơ sở lý giải cho việc Bộ Y tế Việt Nam xếp người từng nhiễm SARS-CoV-2 vào trường hợp trì hoãn tiêm chủng sau 6 tháng đối với cả mũi 1 và mũi 2 vaccine ngừa Covid-19.
Chưa có phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng này
Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, các biểu hiện về tâm thần kinh như khó thở, lo lắng, trầm cảm, suy giảm khả năng chú ý, tập trung, giảm trí nhớ và giấc ngủ làm chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.
Cơ chế sinh bệnh của vấn đề này chưa được biết rõ, mặc dù các nghiên cứu cho thấy có liên quan đến cơ chế bệnh do virus và miễn dịch.
Người bệnh mắc hội chứng suy nhược mãn tính sau COVID-19 thường khám nhiều chuyên khoa với nhiều thầy thuốc khác nhau, và kết quả thường không được như mong muốn.
Các thuốc thường gặp như giảm đau, giảm tê, các thuốc bổ thần kinh được kê toa không giúp họ thuyên giảm triệu chứng mà còn thêm tác dụng phụ do thuốc và ảnh hưởng đến kinh phí điều trị.