Cân bằng trong phòng chóng dịch bệnh ung thư và Covid
Cần phải cân bằng giữa nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 với nguy cơ của việc trì hoãn điều trị ung thư.
Không có 1 quy định thống nhất nào cho xử trí tình huống điều trị bệnh nhân ung thư trong mùa COVID-19 mà phải tùy từng trường hợp cụ thể.
Nếu ung thư thuộc dạng diễn tiến chậm, ta có thể dời lại việc điều trị hơn 3 tháng, bất kể tuổi tác, bao gồm cả phẫu thuật và xạ trị, ví dụ như ung thư da không melanoma; K vú ER, PR dương và HER-2 âm ở phụ nữ đã mãn kinh và có thể thay thế bằng điều trị nội tiết; hoặc ung thư hệ tạo huyết mãn tính như bạch cầu lympho mãn.
Nếu ung thư thuộc dạng diễn tiến trung bình, ta có thể trì hoãn điều trị trong vòng khoảng 3 tháng, đặc biệt ở những bệnh nhân từ trên 50 tuổi.
Một số ca chọn lọc có thể được hóa trị như ung thư vú di căn xa, đại trực tràng, phổi và những u đặc khác. Tuy nhiên đôi khi quyết định khá khó khăn tùy mỗi trường hợp bệnh nhân.
Với những trường hợp bệnh diễn tiến quá nhanh , việc trì hoãn điều trị lên đến 3 tháng có thể gây hậu quả nghiêm trọng, trong khi đó 1 số ca diễn tiến chậm như ung thư thận tế bào sáng di căn ta có thể theo dõi vẫn cho kết quả tốt.
Nếu ung thư nguy cơ diễn tiến nhanh, không nên trì hoãn điều trị cho những bệnh nhân dưới 70 tuổi. Những trường hợp lớn tuổi hơn cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Thêm vào đó, cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người có triệu chứng cúm khi đang sử dụng thuốc điều trị ung thư, giảm tối đa những cuộc thăm khám khi không thực sự cần thiết, hạn chế khách thăm nội trú và ngoại trú, tăng cường hỗ trợ thăm khám và tư vấn từ xa, có thể cho toa thuốc uống tại nhà.
Một số trường hợp sẽ ưu tiên điều trị tân hỗ trợ (nội tiết) để trì hoãn việc phải nhập viện phẫu thuật trong giai đoạn dịch bệnh.
Câu hỏi thường gặp của bệnh nhân ung thư trong mùa Covid
1. Khi lưu trú tại cộng đồng, người bệnh ung thư cần chú ý điều gì?
Người bệnh ung thư cũng như người thân cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế:
- Đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc. Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- Giữ khoảng cách trên 2 m khi tiếp xúc với người khác.
- Không tụ tập nơi đông người.
- Khai báo y tế hằng ngày.
2. Liệu tôi có thể ngưng hoặc trì hoãn hóa trị trong mùa dịch Covid-19?
Bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc trên từng người bệnh cụ thể. Việc quyết định có nên trì hoãn điều trị hay không phụ thuộc vào mục tiêu điều trị, số chu kỳ hóa trị người bệnh đã hoàn thành, sự đáp ứng điều trị và tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải trong quá trình điều trị…
3. Tôi đang điều trị ung thư, vậy có được tiêm vắc xin Covid-19?
Các hướng dẫn thực hành lâm sàng tại châu Âu, Mỹ đều khuyến cáo người bệnh ung thư nên tiêm vắc xin Covid-19 khi có sẵn.
Đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị ức chế sau hóa trị, khả năng đáp ứng miễn dịch với vắc xin Covid-19 có thể kém hơn so với dân số chung trong cộng đồng.
Những thành viên trong gia đình, những người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng cần phải được tiêm phòng đầy đủ.
4. Nếu người bệnh ung thư có các triệu chứng sốt, ho, cảm cúm…, nên liên hệ với ai?
Nếu bạn đang trong quá trình điều trị ung thư, bạn nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn và đặt lịch hẹn tái khám. Nếu bạn đang theo dõi sau điều trị, bạn nên liên hệ với y tế tại địa phương để được hướng dẫn loại trừ khả năng nhiễm Covid-19.
5. Trước khi tái khám khoa hóa trị, tôi cần lưu ý những gì?
Cần liên hệ trước với bệnh viện, khoa phòng hoặc bác sĩ điều trị để được hướng dẫn. Quy trình tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân tại bệnh viện và kế hoạch điều trị của người bệnh có nhiều thay đổi để thích nghi với tình hình diễn biến của dịch.
Tại bệnh viện, người bệnh và người nhà cần có thái độ chủ động phòng chống lây nhiễm như: luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập nơi đông người, thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sát khuẩn.