Vaccine đóng vai trò chủ yếu để chống dịch
Vaccine đang chứng tỏ là vũ khí hữu hiệu chống virus SARS-CoV-2. Bằng chứng là những quốc gia nhanh chóng thực hiện các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng đã được tận hưởng một “mùa Xuân hy vọng”. Thế nhưng có những quyết định tưởng chừng đơn giản lại không hoàn toàn đúng khi vẫn có những người kén chọn loại vaccine hoặc chủ quan không muốn tiêm phòng.
COVID-19 với biến chủng Delta đang quay lại với tốc độ lây lan rất nhanh khiến chúng ta trở tay không kịp. Các nước châu Âu chưa kịp bao phủ vắc xin, dịch đã bùng trở lại, các nước châu Á chưa kịp chích ngừa đều đã bị bùng phát dịch, sự chậm trễ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Muốn chiến thắng được đại dịch đòi hỏi ý thức và sự hợp tác của tất cả mọi người, không thể trông chờ vào chính quyền hoặc ngành y tế. Vắc xin thời điểm này là chìa khóa để cộng đồng sớm vượt qua đại dịch, tránh nguy cơ sụp đổ cả nền kinh tế.
Nên chích ngay khi có vắc xin
Đó là chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong (sáng 24/7). Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 với số lượng 930.000 liều gồm 3 loại là AstraZeneca, Pfizer, Moderna đang diễn ra trên địa bàn TPHCM. BS Hữu Khanh nhận định, thực tế vẫn có tâm lý kén chọn và so sánh chất lượng giữa loại vắc xin này với vắc xin khác, hoặc có sự lo lắng về những phản ứng sau tiêm nên dẫn tới trì hoãn, né tránh việc chủng ngừa.
Phân tích về tính hiệu quả của vắc xin COVID-19, BS Trương Hữu Khanh chỉ ra: “Vắc xin sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nồng độ virus trong họng của những người đã chích ngừa từ đó giảm nguy cơ lây bệnh. Đặc biệt vắc xin sẽ giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, kéo theo đó là giảm tử vong. Trên thực tế, từng loại vắc xin có khả năng giảm mắc theo tỷ lệ khác nhau, nhưng tất cả các loại vắc xin đều bằng nhau trong việc giảm mắc bệnh nặng và giảm tử vong. Vì vậy, cộng đồng không nên kén cá chọn canh, có loại vắc xin nào cũng nên chích ngay”.
Bài học thế giới từ việc kén chọn tiêm Vaccine Covid 19
Quốc gia nào cũng có một tỉ lệ dân số nhất định không muốn tiêm ngừa vì nhiều lý do. Điều này gây trở ngại cho kế hoạch miễn dịch cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của quốc gia đó và thế giới. “Kén cá, chọn canh” hay nguy hiểm hơn là chủ quan không tiêm phòng vì thế cũng sẽ để lại những hậu quả khôn lường trong cuộc chiến chống COVID-19 đang rất cam go hiện nay.
Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc - nơi xuất hiện dịch COVID-19 cuối năm 2019, hơn một năm trôi qua, cuộc sống bình thường đang dần trở lại với nhịp sôi động và sầm uất.
Màn lột xác ngoạn mục ấy đến từ chiến lược tiêm chủng toàn dân được triển khai rộng khắp. Tính đến nay, đã có khoảng 14 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân, trong đó 70% đã tiêm mũi thứ hai.
Trong khi đó, mặc dù là quốc gia có số người tử vong do COVID-19 nhiều thứ hai trên thế giới và đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 3 của đại dịch, tại Brazil, việc người dân kén chọn vaccine làm khó cuộc chiến chống COVID-19 tại quốc gia này.
Theo các chuyên gia WHO, các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19. Hệ thống y tế của các nước này cũng phải đối mặt với áp lực cao hơn khi tỉ lệ mắc COVID-19 gia tăng. Nếu không đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, tỉ lệ tử vong sẽ lớn hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Vì vậy, chính quyền cần nhanh chóng tiếp cận tất cả các nguồn vaccine được WHO cấp phép và phân phối, thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, coi tiêm phòng là trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng.
Không còn thời gian lựa chọn
Đến ngày 9/9, đã có 7 loại vaccine phòng COVID-19 được WHO cấp phép sử dụng là: Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức), AstraZeneca của Oxford (Anh), AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen (của Johnson & Johnson, Mỹ), Moderna (Mỹ), Sinopharm/BBIP và Sinovac (Trung Quốc).
Các chuyên gia y tế của WHO khuyến cáo, tiêm phòng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ gia đình, cộng đồng và bản thân chúng ta chống lại COVID-19. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu khoa học được rất nhiều quốc gia thực hiện. Các báo cáo gần đây ở Canada chỉ ra rằng, chưa tới 1% những người đã được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Vaccine đã cho thấy hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng nguy hiểm như Alpha, Delta, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng và tử vong do COVID-19. Bên cạnh đó, một người đã tiêm phòng nếu vẫn nhiễm SARS-CoV-2, các triệu chứng luôn nhẹ hơn những người chưa tiêm phòng.
Vì vậy, WHO kêu gọi người dân ở các quốc gia đi tiêm phòng sớm nhất có thể ngay cả khi đã từng mắc COVID-19, tránh tình trạng chờ đợi và lựa chọn vaccine mà bỏ lỡ một "lá chắn" quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.
Việc kén chọn vaccine được giải thích là vì nhiều người lo ngại về một số phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine. Thế nhưng chính việc nâng lên đặt xuống quá nhiều lại khiến cho dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ, đe dọa sức khỏe của chính người dân, cộng đồng, thậm chí là một quốc gia. Miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi có sự đồng lòng của toàn dân, cùng chung tay hành động vì một mục tiêu chung: Đẩy lùi COVID-19.