Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 12/9, Giáo sư Joshua Davis, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm làm việc tại Bệnh viện John Hunter, thành phố Newcastle, thuộc bang New South Wales, cho biết loại thuốc điều trị hiệu quả nhất, dễ sử dụng nhất hiện nay là Dexamethasone, một loại thuốc chống viêm. Loại thuốc này hiện đang được sử dụng thường xuyên cho những người mắc COVID-19 phải nhập viện, cần phải thở oxy.
Các loại thuốc khác cũng được sử dụng bao gồm Remdesivir, Tocilizumab và một vài loại khác, tất cả đều có bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Trong khi Remdesivir và Dexamethasone vốn được bào chế để điều trị các bệnh khác, nhưng được chuyển đổi mục đích sử dụng để điều trị COVID-19, đã có những loại thuốc điều trị mới đang cho thấy những kết quả hứa hẹn.
Tại Việt Nam, hai loại thuốc Remdesivir và Molnupiravir đang được sử dụng điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Trong đó thuốc Remdesivir dạng dung dịch tiêm, được sử dụng tại các cơ sở điều trị. Thuốc Molnupiravir là thuốc viên được thí điểm phát điều trị tại nhà cho các F0 cộng đồng có triệu chứng nhẹ.
Thuốc Remdesivir dạng tiêm truyền cho bệnh nhân nguy cơ tiến triển nặng
Tại Việt Nam, Remdesivir đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 gần đây và phân bổ thuốc điều trị tới các cơ sở y tế.
Theo hướng dẫn sử dụng thuốc Remdesivir 100mg trong hỗ trợ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế dành ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thuốc Remdesivir, được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 nặng, có SpO2 từ 94% trở xuống, bệnh nhân thở máy, điều trị ECMO (tim, phổi nhân tạo), bệnh nhân cần ô xy...
Theo các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, hiệu quả của các thuốc, đặc biệt là thuốc mới, sẽ thường có các bàn luận, tranh cãi. Tuy nhiên, với bệnh nhân nặng, thuốc mới chính là thêm cơ hội được điều trị. Với thuốc kháng virus mới, cũng là thêm cơ hội cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân nặng, và ngành y tế luôn điều trị các bệnh nhân với tinh thần còn nước còn tát.
Trước đó, cuối năm 2020, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã thông qua sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên và nặng tối thiểu 40 kg. Liên minh châu Âu cũng cấp phép lưu hành một cách có điều kiện Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cần trợ thở.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 được công bố vào tháng 10/2020 trên Tạp chí Y học New England cho thấy Remdesivir đã rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân khoảng 5-7 ngày so với những bệnh nhân nặng dùng giả dược. Người dùng Remdesivir cũng có nguy cơ tử vong thấp hơn so với các đối tượng dùng những loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt khác.
Khi được tiêm vào tĩnh mạch trong 10 ngày liên tiếp, Remdesivir giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của các bệnh nhân Covid-19. Remdesivir cũng cải thiện tỷ lệ tử vong ở những người được bổ sung oxy (4% khi dùng Remdesivir so với 13% với giả dược vào ngày thứ 29 của quá trình điều trị).
Nghiên cứu cũng cho thấy điều trị bằng thuốc Remdesivir có thể ngăn bệnh nhân tiến triển thành bệnh hô hấp nặng hơn. Những người được điều trị bằng Remdesivir ít cần hỗ trợ hô hấp hơn.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ John Beigel thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy Remdesivir là một phương pháp điều trị có lợi cho những bệnh nhân mắc Covid-19. Nó cũng giúp giảm phụ thuộc các nguồn lực chăm sóc sức khỏe khan hiếm, chẳng hạn như máy thở".
Nghiên cứu trên tạp chí JAMA Network Open dựa vào số liệu hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ, được điều trị bằng Remdesivir cho thấy thời gian hồi phục trung bình là 10 ngày.
Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore... đưa vào phác đồ điều trị.
Thuốc Remdesivir có hai dạng là nước và đông khô. Dưới dạng nước, Remdesivir đòi hỏi bảo quản trong kho lạnh 2- 8 độ C. Remdesivir dạng đông khô bảo quản trong nhiệt độ khoảng 25 độ C giúp vận chuyển dễ dàng hơn giữa các khu vực, quốc gia, châu lục.
Theo khuyến cáo, thuốc Remdesivir được chỉ định dùng ở bệnh nhân trở nặng và thực hiện theo đường tiêm truyền tại các cơ sở y tế.
Thuốc Molnupiravir phát uống tại nhà cho F0
Molnupiravir là loại thuốc kháng virus thứ 2 được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, tại TPHCM, chương trình thí điểm điều trị Molnupiravir được triển khai từ ngày 28/8 cho trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Một túi thuốc là một liệu trình sử dụng cho một F0 trong 5 ngày gồm 20 viên thuốc uống hàm lượng 400mg.
Thuốc Molnupiravir viên đường uống đang được phát điều trị cho F0 trong cộng đồng tại TPHCM.
Chương trình thí điểm này được triển khai, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, chiến lược hỗ trợ người bệnh F0 điều trị tại nhà và cộng đồng được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu.
Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về quản lý, chăm sóc, điều trị, đảm bảo để các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.
Theo Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia "cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong".
Theo đó, các trường hợp mắc Covid-19 từ 18-65 tuổi (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích, đồng ý sẽ được phát thuốc điều trị và có kiểm soát đặc biệt, theo dõi chặt, đánh giá trong quá trình điều trị.
Bộ Y tế cũng lưu ý, bệnh nhân đã sử dụng thuốc được 3-4 ngày, thấy khỏe hẳn, hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc cho đủ liệu trình 5 ngày, trừ khi xuất hiện các chống chỉ định hoặc tác dụng không mong muốn nặng.
Liên quan đến loại thuốc này, mới đây nhất, Jay Grobler, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vắc xin và bệnh truyền nhiễm của tập đoàn dược phẩm Merck cho hay viên uống Molnupiravi không tấn công vào protein gai của nCov, vốn là mục tiêu của các loại vắc xin hiện nay, nên vẫn sẽ phát huy hiệu quả ngay cả khi virus tiếp tục đột biến.
Thay vào đó, Molnupiravi nhắm vào polymerase, loại enzyme cần thiết để virus nhân bản. Thuốc hoạt động bằng cách đưa lỗi vào mã di truyền của nCoV, nên thuốc có tác dụng trên các loại biến chủng nCoV, bao gồm chủng trội Delta. Dữ liệu thử nghiệm cho thấy thuốc hoạt động hiệu quả nhất khi sử dụng vào giai đoạn nhiễm virus ban đầu, thông báo của Merck cho hay.
Molnupiravir là thuốc kháng virus đặc hiệu. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir trong điều trị Covi-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Theo các chuyên gia, các loại thuốc kháng virus dạng viên thuốc đang phát triển và có kết quả hứa hẹn hiện nay có thể là cơ hội tiếp theo để thế giới chống lại đại dịch Covid-19 và quay lại cuộc sống bình thường.
Không riêng tại Việt Nam, trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn hoành hành, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, xã hội, kinh tế… của các quốc gia. Chính vì thế, việc nghiên cứu, phát triển các loại thuốc vẫn đang được các công ty dược, các quốc gia thúc đẩy, nhằm đưa cuộc sống trở về bình thường.
Về việc tiếp cận thuốc điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế đã và đang đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn thuốc điều trị Covid-19. Hiện nay, Bộ Y tế đang xem xét bổ sung 2 thuốc (Reamberin và Cytoflavin) vào phác đồ điều trị cho F0 tại TPHCM.
Trong đó, thuốc Reamberin có chỉ định giảm oxy huyết và giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thuốc Cytoflavin có chỉ định phòng chống đột quỵ thiếu máu cục giai đoạn cấp.
Để phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh khuyến cáo người dân thực hiện 5K, Việt Nam đang triển khai chiến dịch xét nghiệm, tiêm chủng và tiếp cận nhiều thuốc điều trị. Đến nay, Việt Nam đã tiêm 43.658.818 liều vắc xin, trong đó tiêm một mũi là 33.532.395 liều, tiêm mũi 2 là 10.126.423 liều.