Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là những viên sỏi, san sỏi nằm ở bên trong túi mật (tiếng Anh gọi là Gallstone). Túi mật là một bộ phận nối liền với gan và nằm ngay phía bên dưới gan. Túi mật là nơi dự trữ mật do gan bài tiết ra. Khi ăn thức ăn, túi mật có chức năng co bóp để đẩy dịch mật qua đường mật vào ruột non giúp tiêu hóa thức ăn. Những lắng đọng bất thường của các thành phần chính trong dịch mật sẽ hình thành nên bùn mật, sỏi mật, sạn mật. Sỏi mật thường gây ra đau bụng, viêm túi mật và viêm tụy.
Sỏi mật là bệnh rất thường gặp. Ước đoán khoảng 20% dân số thế giới sẽ bị sỏi mật trong cuộc đời của mình. Bệnh sỏi mật gặp nhiều ở nữ hơn nam và có xu hướng tăng dần theo tuổi. Nguyên nhân gây ra sỏi mật là bệnh viêm túi mật mãn tính, ứ đọng mật và nhiễm trùng túi mật. Hiện tượng táo bón cũng tạo ra cơ hội cho vi trùng đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, túi mật và ống mật, do đó nó làm cho mật dễ lắng xuống thành sỏi.
Phân loại
Sỏi mật có 3 loại:
- Sỏi sắc tố mật: Loại này ít gặp.
- Sỏi cholesterol: Thường đi đôi với tình trạng cholesterol cao trong máu. Cholesterol dễ gây sỏi nếu nó có các chất béo khác kèm theo, thường gắn liền với tình trạng béo phì. Theo nghiên cứu của Đại học Kentucky (Mỹ), béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh sỏi túi mật. Theo dõi trong 15 năm cho thấy, 3.200 trong tổng số 42.000 phụ nữ béo phải mổ sỏi mật. Người có vòng eo hơn 91,5 cm nguy cơ mổ lấy sỏi mật cao gấp đôi người có vòng eo dưới 66 cm.
– Sỏi hỗn hợp: Được tạo thành khi hàm lượng cholesterol chiếm 30%-70% dịch mật.
Sỏi cholesterol bao gồm ít nhất 60% là cholesterol và thường gặp ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Sỏi sắc tố thì màu nâu hoặc đen do có nồng độ sắc tố mật cao và chiếm tỷ lệ trên 90% bệnh sỏi mật ở người Châu Á.
Nguyên nhân
Sỏi túi mật do nhiều nguyên nhân gây ra:
- Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người mắc sỏi túi mật, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
- Giới tính: Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi túi mật cao hơn nam giới.
- Thừa cân hoặc béo phì
- Giảm vận động của túi mật: người ít vận động, ngồi nhiều; chế độ ăn uống quá kiêng khem hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch cũng rất dễ mắc bệnh sỏi mật
- Chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol là nguyên nhân phổ biến dẫn đến căn bệnh này.
Người mắc bệnh sỏi mật thường có triệu chứng đau bụng, đau mạn sườn, rối loạn tiêu hóa,...
Biểu hiện của sỏi mật
Sỏi mật là loại sỏi được hình thành trong túi mật hoặc đường mật, gây ra các triệu chứng cho bệnh nhân như:
- Những cơn đau nhiều và liên tục kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
- Cơn đau thường xảy ra ở vùng bụng phải hoặc thượng vị
- Bệnh thường đau nhiều sau khi ăn hoặc về đêm khiến bệnh nhân khó ngủ
Sỏi mật sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh kéo dài như: viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật, ung thư túi mật... Do vậy, phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng với người bệnh.
Triệu chứng
Người mắc bệnh sỏi mật có nhiều triệu chứng, các triệu chứng này cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp nhất.
- Đau bụng, mạn sườn: Người mắc bệnh sỏi mật thường đau ở vùng dưới bờ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị. Đó có thể là những cơn đau dữ dội hoặc âm ỉ, đau dai dẳng hoặc thoáng qua, tùy theo mức độ thương tổn của túi mật. Đặc biệt, cơn đau tăng lên sau ăn, khác với đau dạ dày thường là tăng khi đói. Không kể trường hợp đau dữ dội, cơn đau của túi mật đôi khi khó phân biệt với đau của các bệnh dạ dày - tá tràng, đại tràng.
- Rối loạn tiêu hóa: Cơn đau cấp tính ở túi mật có thể dẫn đến buồn nôn và nôn ói. Trong trường hợp khác, người bệnh có thể cảm giác đầy bụng, chậm tiêu, chán ăn, sợ mỡ. Các triệu chứng này cũng dễ gây nhầm lẫn với bệnh dạ dày - tá tràng và của đường tiêu hóa.
- Vàng da: Bệnh sỏi mật ít khi gây vàng da vì túi mật chỉ là bộ phận phụ bên cạnh đường mật chính. Trước khi vàng da người bệnh thường có biểu hiện nước tiểu vàng sậm, kế đến là mắt vàng và sau đó là da vàng. Nếu chỉ thấy da vàng mà nước tiểu không vàng thì không phải là chứng vàng da.
- Sốt: Là biểu hiện khi người bệnh bị nhiễm trùng ở túi mật, đây là biến chứng thường gặp của bệnh túi mật, đặc biệt là sỏi hoặc bùn mật.
- Gan to bất thường: Gan to là triệu chứng thường gặp của sỏi mật, mức độ gan to phụ thuộc vào mức độ tắc mật, sỏi túi mật không gây gan to. Tắc mật do sỏi trong ống mật chủ có thể xuất hiện túi mật to.
Người bệnh cần đến khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm khi bị sỏi thận.
Điều trị sỏi mật
Tùy vào mức độ bệnh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau, cụ thể:
- Đối với trường hợp phát hiện sỏi quá muộn, sỏi đã làm viêm nhiễm, biến chứng, sỏi có kích thước lớn,... bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân phẫu thuật sớm. Hầu hết người bị sỏi mật đều có chức năng gan mật không tốt, sự mất cân băng dịch mật là căn nguyên dẫn đến bệnh nên sau phẫu thuật người bệnh cần có chế độ ăn uống ít dầu mỡ, uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn,...
- Đối với các trường hợp sỏi còn nhỏ, phát hiện sớm thì người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tán sỏi, kiềm chế sỏi tăng kích thước, cải thiện chức năng gan mật để kiểm soát sỏi, hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả. Tuy nhiên các phương pháp này đều cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Do vậy, ngay khi nghi ngờ bị sỏi túi mật, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Phòng bệnh
Để nâng cao hiệu quả điều trị sỏi mật, cải thiện nhanh triệu chứng, ngăn sỏi gây biến chứng, người bệnh sỏi mật nên:
- Thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế các thức ăn nhiều mỡ, giàu cholesterol; tăng cường luyện tập, vận động thể chất; hạn chế dùng các loại thuốc nội tiết, thuốc hạ mỡ máu…
- Thực hiện ăn uống vệ sinh, ăn chín, uống sôi; tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không nên ăn thức ăn đường phố; trẻ em hạn chế ăn quà vặt cổng trường.
Đối với người đã có sỏi mật cần được theo dõi và thăm khám định kỳ, khi thấy có một vài triệu chứng giống như trên thì nên đến các cơ sở chuyên khoa để điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm do sỏi mật.
Đối với nước ta, nhiễm khuẩn đường mật vẫn còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành sỏi mật, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng đường mật. Chính vì vậy cần ăn uống vệ sinh như ăn uống thức ăn đã nấu chín, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không nên ăn thức ăn đường phố, trẻ em hạn chế ăn quà vặt cổng trường. Đối với người có tiền sử giun chui ống mật cần tẩy giun định kỳ 2 lần trong một năm.