Một thích: Trong túi có tiền
Khi cần dùng đến, chẳng phiền cháu con.
Cái thích đầu tiên rất có lý. Trong túi có tiền. Đó là tiền của mình-“tiền túi” mà. Tự do sở hữu, nhưng không phải hợm của, không phải muốn có nhiều tiền để “đổi trắng thay đen”, mà chỉ cốt để “khi cần dùng đến”, như tham dự các lễ nghĩa, mừng lứa đôi hạnh phúc hoặc góp vào với sự nghĩa chung… mà không phải xin con cháu. Tuổi cao, làm việc nghĩa, nhâm nhi chén rượu là vui vẻ…
Hai thích: Có bát cơm ngon
Cao lương chả thiết, răng còn chắc đâu!
Không phải không thích cao lương, mỹ vị. Những thứ ấy quý lắm. Nhưng cái miệng của mình không hợp nó bởi răng khấp khểnh rồi! Thích bát cơm ngon. Hiểu một cách giản dị thuần phác: Bát cơm quê dẻo, canh ngọt, hợp với miệng già.
Ba thích: Trai, gái, rể, dâu
Gia phong nền nếp, hàng đầu hiếu trung!
Cái thích thứ ba này không còn bàn vào đâu được nữa!
Bốn thích: Thỏa mãn riêng, chung
Sống riêng, nhưng lại ở cùng cháu con
Ấy mới hay. Không muốn lệ thuộc vào ai, nhất là về vật chất. Thích tự do nhưng không cô độc, cần ở cùng cháu con. Bởi “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Già còn phải dạy dỗ bảo ban con cháu làm ăn, đối nhân xử thế. Phải khi mệt mỏi, có con cháu ở gần, còn gì bằng!
Năm thích: Hàng xóm vuông tròn
Đói, no, sướng, khổ, mất, còn… có nhau
Xóm giềng quy củ (vuông tròn), đâu ra đấy; cũng mang một ý tốt là cầu cho nhau sự an lành, mà thân tình. “Rào giậu cho kín” để giữ quy củ, cũng chính là để khi cần thiết thì "có nhau" một cách chân tình, không gượng ép… Hỏi có nhân văn nào hơn!
Sáu thích: Sống thọ, “đi” mau.
Ốm lâu con khổ, lại đau phận mình!
Rất yêu cuộc sống, rất muốn tráng lão dài lâu để biết thêm thời cuộc, để trông nom con cháu, chúc nhau sống lâu trăm tuổi là chính đáng. Dưỡng sinh để đại thọ là việc làm quý biết bao. Nhưng nếu đã không còn đường sống nữa thì mong “đi” (chết) nhanh. Ốm lâu, trước nhất là con cái phải nâng giấc, mà thân mình thì cũng đau đớn…
Bảy thích: Xã hội - gia đình
Bất lương, tệ nạn… thực tình tránh xa
Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Mong cho xã hội tốt để gia đình càng tốt hơn. Lý thú là “Thực tình tránh xa”, muốn nói đến ý thức tự giác từ trong tâm, tình thực. Không phải chờ ai vận động bởi những thứ đó dễ lây lắm…
Tám thích: Mồ mả ông cha
Cất xây, tôn tạo - ít ra bằng người!
Có điều kiện thì xây cất, làm đẹp mồ mả ông cha, đó là lẽ hiếu. Trông xuống chẳng hách với ai, nhìn lên không tủi với bạn. Không chơi trội hợm hĩnh. Tâm - đức - nghĩa, đâu phải cứ to tát mới là! Nhưng úi xùi thì cũng buồn lòng, tội nghiệp trước tiền nhân.
Chín thích: Rộn rã tiếng cười
Được hưởng không khí vui tươi hàng ngày
Khỏi phải nói. Ăn ngon, mặc đẹp, tiền tiêu thoải mái mà không cười được, sống như bị quản thúc, lo ngay ngáy thì khác nào đời nô lệ!
Mười thích: Phút chót giời đày
Tùy tiền biện lễ, không vay mượn nhiều
Nói về việc tang, hiếu, thế cũng là kín nhẽ. Cung kính, báo đáp đàng hoàng nhưng “Tùy tiền biện lễ”. Làm ma, làm táng phải vay mượn cũng là chuyện thường. Nhưng vay mượn để cố đạt một điều chẳng thiết thực, thậm chí đua đòi kệch cỡm thì khổ thân mà cũng đáng trách.
Tuổi cao mong ước mấy điều
Thực tế đạt được bao nhiêu còn tùy
Rất biện chứng. “Mong ước” và “thực tế” còn tùy vào điều kiện và khả năng hiện thực. Và vì vậy cứ:
Sống vui, sống khỏe ai bì
Nam Tào có lệnh, ra đi nhẹ nhàng!
Đúng là tiên cách!
Tác giả không biết ai sáng tác ra “Tuổi cao mười thích”. Chỉ nghe truyền miệng. Vì yêu nên mạo muội lạm bàn.