Theo các bác sĩ nhãn khoa, hai nguyên nhân thường gặp nhất của loạn thị là: độ cong của giác mạc bất thường và độ cong của thủy tinh thể bất thường
Giác mạc (tròng đen) là phần phủ phía trước của mắt, nó có tác dụng bảo vệ mắt và giúp cho các tia sáng đi vào mắt hội tụ trên võng mạc để đảm bảo việc nhìn rõ. Muốn vậy, giác mạc phải có 1 độ cong hoàn hảo. Nếu độ cong giác mạc thay đổi, có vùng cong nhiều hơn vùng khác hay có vùng cong ít hơn vùng khác thì khi tia sáng đi vào mắt sẽ không được hội tụ trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ. Và đó là tình trạng loạn thị do giác mạc.
Thể thủy tinh là thành phần nằm bên trong mắt. Nó cũng tham gia vào việc giúp cho tia sáng hội tụ trên võng mạc. Tương tự như giác mạc, nếu độ cong thể thủy tinh bất thường sẽ dẫn đến việc nhìn mờ. Đó là loạn thị do thay đổi độ cong của thủy tinh thể.
Triệu chứng
- Nhìn mờ cả nhìn xa lẫn nhìn gần.
- Hình ảnh bị biến dạng.
- Mỏi mắt, nhức đầu (vùng trán và thái dương).
- Nheo mắt, chảy nước mắt, mắt bị kích thích.
- Đôi khi loạn thị không có triệu chứng chủ quan mà chỉ được phát hiện khi khám bệnh định kì, khám sàng lọc tại các trường học.
Điều trị
Có 2 phương pháp điều trị loạn thị: đeo kính (kính gọng hoặc kính tiếp xúc) và phẫu thuật khúc xạ.
Trẻ em cần được chẩn đoán và điều trị loạn thị sớm. Nếu loạn thị từ trung bình đến nặng không được điều chỉnh trước 5 tuổi thì thường dẫn tới nhược thị. Và lúc này không thể điều trị được nữa.