Hoa hồng - Vị thuốc quý trong Đông y, giải pháp dưỡng nhan hoàn hảo cho phụ nữ
Mỗi khi mùa xuân về, chúng ta lại được chứng kiến sự sinh sôi, nảy nở của hoa lá, cỏ cây. Những bông hoa hồng khẽ rung rinh trong gió, uống đẫm sương đêm và mưa xuân lất phất ấp ủ cả mùa xuân dịu ngọt. Chúng ta đắm chìm trong những cánh hoa hồng mỏng manh, để ngắm nhìn, để tặng cho người ta thương nhưng ít ai biết có thể tận dụng làm thuốc, làm đẹp từ loài hoa tuyệt diệu này.
Trong y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn có tác dụng nhuận tràng.
"Có rất nhiều loại hoa hồng nhưng Đông y thường sử dụng hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng để làm thuốc chữa bệnh. Để làm thuốc thì nên tận dụng những đóa hoa mới nở", lương y Bùi Hồng Minh cho hay.
Có rất nhiều loại hoa hồng nhưng Đông y thường sử dụng hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng để làm thuốc chữa bệnh.
Trong Cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" - NXB Khoa học và Kỹ thuật) tập hợp các công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược liệu - Dược Cổ truyền thuộc Đại học Dược Hà Nội và Viện Nghiên cứu Dược liệu Việt Nam cũng đã chỉ rõ những công dụng hữu ích của hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng trong chữa trị nhiều loại bệnh.
Cụ thể: hoa hồng đỏ dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, xích bạch đới (một dạng bệnh ra khí hư ở nữ giới), vết thương sung tấy, ung nhọt, tràng nhạc (vùng cổ, khu vực trước và sau tai xuất hiện nhiều hạch kích thước lớn dính chùm vào nhau). Ngoài ra, hoa hồng đỏ còn dùng chữa băng huyết, lở mồm, loét lợi, rộp lưỡi, ho, viêm họng. Theo phương pháp Ajuveda của Ấn Độ, tinh dầu hoa hồng (1 giọt) cho vào nước tắm còn có tác dụng chống mất ngủ. Còn hoa hồng trắng có vị ngọt, tính bình, là bài thuốc chữa ho trẻ em rất công hiệu.
Hoa hồng trắng có vị ngọt, tính bình, là bài thuốc chữa ho trẻ em rất công hiệu.
Ngoài công dụng chữa bệnh, hoa hồng còn được ứng dụng để làm đẹp da cho chị em phụ nữ. Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong hoa hồng có rất nhiều canxi giúp cơ thể trao đổi chất tốt và tiêu hóa thức ăn, kali giúp tim hoạt động ổn định… Đặc biệt, trong hoa hồng có nhiều tinh dầu, có thể chế để làm dầu thơm, nước hoa, làm dịu da khô, da nhạy cảm, nuôi dưỡng da mềm mại hơn.
Những bài thuốc chữa bệnh hay từ hoa hồng, chị em muốn làm đẹp cũng áp dụng được loại hoa này
Giới chuyên gia nhận định, hoa hồng hoàn toàn có thể áp dụng làm thuốc với những nguyên liệu sẵn có trong nhà bạn chứ không cần cầu kỳ mua thêm bên ngoài theo những cách sau:
Hoa hồng hoàn toàn có thể áp dụng làm thuốc với những nguyên liệu sẵn có trong nhà bạn chứ không cần cầu kỳ mua thêm bên ngoài.
- Làm thuốc an thần, chống trầm cảm, chữa bệnh mất ngủ mà không cần dựa vào sự hỗ trợ của thuốc ngủ:Cho cánh hoa hồng vào cốc nước, đổ thêm 150ml nước sôi, đợi một vài phút là bạn đã có ngay một tách trà hoa hồng thơm mát phát huy tác dụng này.
- Chữa viêm họng: Mật ong, hoa hồng đỏ đem pha loãng với nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối hoặc ít hàn the, dùng làm thuốc súc miệng hàng ngày.
- Hỗ trợ giảm cân: Theo y học Trung Hoa, trà hoa hồng còn có tác dụng điều hòa khí huyết, cải thiện da, an thần, giảm căng thẳng, kích thích lưu thông máu ở vùng bụng. Do đó sử dụng loại trà này đều đặn có thể giúp thanh lọc cơ thể, thúc đẩy giảm cân, trong khi da dẻ ngày càng hồng hào, mịn màng hơn.
- Phụ nữ rạn, sẹo da do mang thai và sinh nở: Sử dụng dầu từ hạt hoa hồng thoa lên theo liều lượng bác sĩ cho phép để xóa vết rạn sẹo vì loại dầu này có tính tạo mô rất mạnh.
Trà hoa hồng là thức uống vừa ngon vừa mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
- Chữa băng huyết ở phụ nữ: Lấy 20g cánh hoa hồng đỏ mới nở, hãm với 1 lít nước sôi trong bình sứ trong khoảng 30 phút. Khi nước đã có màu đỏ, đem lọc rồi cho thêm 50g đường khuấy tan. Mỗi lần uống từ 200 - 250ml, uống đều hàng ngày đến khi máu cầm.
- Giảm đau nhức cơ bắp, giảm mệt mỏi: Lấy 4-6 giọt tinh dầu hoa hồng cho vào nước thật nóng hoặc thật lạnh. Thấm nước đã pha tinh dầu vào miếng gạc và đắp trực tiếp lên vùng cơ bị đau sẽ giúp giảm đau nhức nhanh chóng.
- Ứng dụng rộng rãi trong làm đẹp: Nước hoa hồng làm se khít lỗ chân lông, dù là da thường hay là da nhạy cảm. Chứa chất chống oxy hóa, cánh hoa hồng còn có những hợp chất kháng khuẩn giúp làm dịu da, nên ngay cả da bị mẫn cảm cũng có thể sử dụng bình thường.
- Trị ho gà ở trẻ nhỏ: Cánh hồng trắng còn tươi 1 bông, quất chín 1 quả, đường hoặc mật ong nửa thìa cà phê, tất cả cho vào một chén con sạch hấp cơm rồi nghiền nát, gạn lấy nước cho trẻ uống, làm nhiều lần trong ngày.
- Lở loét miệng: Sử dụng vài cánh hoa hồng trắng giã nhỏ, trộn với mật ong và bôi lên vết loét sẽ giúp êm dịu nhanh chóng.