Vậy nhịp tim có thể cung cấp cho bạn những thông tin gì về sức khỏe của mình, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.
Các dấu hiệu sức khỏe của bạn thông qua nhịp tim. Ảnh minh họa: Internet
Bạn đang mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh
Các bác sỹ vẫn chưa chắc chắn liệu nhịp tim quá nhanh có thể gây ra tiểu đường hay chính tiểu đường là nguyên nhân khiến tim đập nhanh, tuy nhiên những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cả hai yếu tố này đều có liên quan đến nhau. Bác sỹ Taub thường nói rằng những người đã mắc tiểu đường thường ít vận động hơn và thường dễ bị mắc bệnh mạch vành và cao huyết áp, cả hai căn bệnh này đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mỗi liên quan giữa tình trạng tim đập nhanh, đặc biệt ở bệnh nhân tiểu đường, với những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe.
Bạn đang bị stress
Stress có thể khiến tim bạn đập mạnh hơn và huyết áp tăng lên, đưa cơ thể của bạn vào tư thế “sẵn sàng chiến đấu” (Cần lưu ý rằng nhịp tim và huyết áp không phải là cùng một chỉ số, và chúng không phải luôn tăng hoặc giảm cùng với nhau). Những stress mãn tính có thể khiến bạn lẫn trái tim của bạn luôn ở trong một trạng thái cảnh giác cao độ bởi chúng làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Điện tâm đồ của bạn có một đoạn ngắn bất thường
Tim của bạn có một hệ thống điện tim riêng – là một mạng lưới tín hiệu giúp tim đập đúng nhịp – do vậy nhịp tim quá chậm có thể cảnh báo một điều gì đó bất thường. Những người gặp phải tình trạng này thường dễ bị hoa mắt hay chóng mặt. Bác sỹ có thể phát hiện và chỉ ra những điểm bất thường của tim chỉ bằng cách thực hiện một điện tâm đồ đơn giản.
Bạn không luyện tập đủ
Bạn đã từng nghe câu “nếu không sử dụng nó, bạn có thể mất nó” hay chưa? Tim được cấu tạo từ những khối cơ và nó cũng cần được luyện tập để có thể hoạt động ở trạng thái tốt nhất. Những người ít hoạt động và béo phì thường có nhịp tim lúc nghỉ ngơi khá cao. Tại sao ư? Bởi khi bị thừa quá nhiều cân, trái tim sẽ phải làm việc vất vả hơn để bơm máu nuôi toàn bộ cơ thể khổng lồ. Ngoài ra, bạn càng to béo thì lượng máu bạn cần cũng nhiều hơn bình thường, đồng nghĩa với việc số lần tim đập trong mỗi phút cũng phải tăng lên.
Luyện tập thể dục thể thao có thể giúp bạn giảm nhịp tim khi ở trạng thái nghỉ ngơi. Những vận động viên luyện tập với cường độ cao thường có nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi rơi vào khoảng dưới 60 bpm.
Các loại thuốc có thể khiến nhịp tim thay đổi
Một số loai thuốc có thể thiết lập lại hệ thống nhịp tim khiến tim đập theo một kiểu khác. Theo bác sỹ Taub, các loại thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi là những loại có thể làm giảm nhịp tim, giúp tim được nghỉ ngơi nhiều hơn. Chúng ít khi gây nguy hiểm gì nhưng bạn cần phải thông báo cho bác sỹ biết nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc.
Mặt khác, caffein lại có thể thúc đẩy khiến tim đập nhanh hơn. Đây là thành phần thường thấy trong các loại thuốc trị đau đầu và trong một số loại thực phẩm, đồ uống như trà, cà phê và sô cô la. Một số người đặc biệt nhạy cảm với caffeine, do vậy khi họ uống một tách cà phê hay một lon nước tăng lực nhịp tim của họ cũng ngay lập tức tăng lên. Trong trường hợp này, giảm tiêu thụ những thực phẩm chứa caffein là một lựa chọn an toàn hơn cho bạn.
Bạn đang bị suy giáp hay cường giáp
Tuyến giáp – một tuyến nhỏ hình bướm ở cổ - có chức năng sản xuất ra hormone giúp điều hòa nhiều hoạt động và chức năng cơ thể. Khi tuyến giáp không tiết ra đủ hormon (bệnh suy giáp), nhịp tim của bạn sẽ đập chậm hơn bình thường. Ngược lại, khi tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), nhịp tim lại có xu hướng tăng vọt. Xét nghiệm máu có thể giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp của bạn.
Bạn đang bị mất nước hay bị giữ nước
Các khoáng chất trong cơ thể có mang điện tích được gọi là các chất điện giải. Nếu bạn uống quá nhiều nước hay không uống đủ, bạn sẽ rơi vào một trạng thái gọi là rối loạn điện giải và ảnh hưởng đến một số chức năng trong cơ thể. Khi nồng độ kali, canxi hay magie quá thấp sẽ khiến tim đập loạn nhịp và có thể gây tăng nhịp tim.