VI SINH

VI SINH

Lượt xem: 1810

Xét nghiệm vi sinh là các loại xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng, bằng chứng của quá trình nhiễm trùng bao gồm cả dịch bệnh. Như vậy đối tượng của các loại xét nghiệm này là các vi sinh vật gây bệnh ở trong các bệnh phẩm được thu thập từ người, môi trường sống, các loại dụng cụ, thức ăn...có khả năng liên quan đến căn nguyên nhiễm trùng. Căn cứ vào phương pháp xét nghiệm chúng ta có thể chia ra các loại xét nghiệm vi sinh thành:

Xét nghiệm soi trực tiếp.

Xét nghiệm nuôi cấy.

Xét nghiệm miễn dịch.

Xét nghiệm sinh học phân tử.

Xét nghiệm nước tiểu

Tổng phân tích nước tiểu thường được sử dụng trong các bệnh đái tháo đường, nhiễm ceton, đái nhạt, bệnh gan, mật, thận, bệnh viêm đường tiết niệu, đái máu...phát hiện sớm ngộ độc thai nghén.

Bình thường, trừ tỷ trọng và pH nước tiểu có giá trị cụ thể, các chất bất thường trong nước tiểu là những chất có nồng độ rất thấp trong nước tiểu, bằng các xét nghiệm thông thường không phát hiện được (âm tính-negative).

Khi phát hiện được (dương tính, positive), chúng dược gọi là những chất bất thường trong nước tiểu, có ý nghĩa lâm sàng.

Tỷ trọng(SG: specific gravity) 1.015-1,025.

Tăng trong: Nhiễm khuẩn, giảm ngưỡng thận, bệnh lý ống thận. Xơ gan, bệnh lý gan, tiểu đường, nhiễm (keton) do tiểu đường, tiêu chảy mất nước, ói mửa, suy tim xung huyết.

Giảm trong: viêm thận cấp, suy thận mạn, viêm cầu thận, viêm đài bể thận.

Bạch cầu (LEU) (Âm tính) Bạch cầu trong nước tiểu xuất hiện trong: nhiễm khuẩn thận, nhiễm trùng nước tiểu, nhiễm trùng không có triệu chứng, viêm nội tâm mạc do vi khuẩn.

Nitrit (NIT) (Âm tính) Nitrit trong nước tiểu xuất hiện trong: nhiễm khuẩn thận, nhiễm khuẩn nước tiểu, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn nước tiểu không triệu chứng.

pH (4,8-7,4): pH nước tiểu tăng trong nhiễm khuẩn thận (tăng hoặc có lúc giảm), suy thận mạn, hẹp môn vị, nôn mửa.pH nước tiểu giảm trong nhiễm ceton do đái đường, tiêu chảy mất nước.

Hồng cầu (ERY) (Âm tính): Hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu khi: viêm thận cấp (ung thư  thận, bàng quang, sỏi thận, sỏi tiền liệt tuyến), viêm cầu thận, xung huyết thận thụ động, hội chứng K Wilson, hội chứng thận hư, thận đa nang, viêm đài bể thận, đau quặn thận, nhiễm trùng niệu, nhiễm khuẩn nước tiểu, nhiễm khuẩn nước tiểu không có triệu chứng, xơ gan viêm nội tâm mạc bán cấp, cao huyết áp có tan huyết ngoại mạch thận, tan huyết nội mạch có tiêu hemoglobin.

Protein (PRO) (Âm tính): Protein xuất hiện trong nước tiểu khi: viêm thận cấp, bệnh thận do đái tháo  đường, viêm cầu thận, hội chứng suy tim xung huyết, K Wilson, cao huyết áp ác tính hội chứng thận hư, bệnh thận đa nang, viêm đài bể thận, bệnh lý ống thận, cao huyết áp lành tính, viêm nội tâm mạc bán cấp.

Glucose (GLU) (Âm tính): Glucose xuất hiện trong nước tiểu khi: giảm ngưỡng thận, bệnh lý ống thận, đái tháo đường, viêm tuỵ, glucose niệu do chế độ ăn uống.

Thể ceton (KET: ketonic bodies) (Âm tính): Thể ceton xuất hiện trong nước tiểu khi: nhiễm ceton do đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, nôn mửa.
Bilirubin (BIL) (Âm tính): Xơ gan, bệnh lý gan, vàng da tắc mật (nghẽn tắc một phần hoặc toàn phần, viêm gan do virus hoặc do ngộ độc thuốc, K đầu tụy, sỏi mật).
Urobilinogen (UBG) (Âm tính): Xơ gan, bệnh lý gan, viêm gan do nhiễm khuẩn, virus, huỷ tế bào gan, tắc ống mật chủ, K đầu tụy, suy tim xung huyết có vàng da.

Soi cặn nước tiểu: Phát hiện các tế bào, trị niệu, ... trong viêm nhiễm thận, đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu,...

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu rất có giá trị trong việc chẩn đoán sớm nhiễm độc thai nghén cho các mẹ bầu (vì thế xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm bắt buộc đối với các bà mẹ mang thai ít nhất 1 lần 1 tháng) và những người có bệnh lý về đường tiết niệu. Đặc biết là có thể phát hiện sớm những bệnh lý về thận.

  1. Xét nghiệm sàng lọc viêm gan A, B, C, D

Sàng lọc viêm gan A (HAV)

Việc xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virút viêm gan A (HAV) được thực hiện bằng hai loại kỹ thuật phổ biến là định lượng transaminase trong máu và xét nghiệm miễn dịch virút viêm gan A. Đối với xét nghiệm miễn dịch phát hiện virút viêm gan A có 4 loại khác nhau.

Hai loại ít thực hiện hoặc không thực hiện rộng rãi gồm: HAV ARN theo kỹ thuật sinh học phân tử. HA - Ag theo kỹ thuật tìm kháng nguyên virút viêm gan A trong phân.

Hai loại thông dụng gồm: Anti - HAV IgM theo kỹ thuật phát hiện tìm kháng thể loại IgM kháng HAV, đây là bằng chứng tốt nhất chứng tỏ đang bị viêm gan virút A cấp tính. Anti - HAV toàn phần theo kỹ thuật phát hiện kháng thể toàn phần kháng HAV, nếu xét nghiệm này dương tính chứng tỏ là đã bị nhiễm bệnh nhưng không chứng tỏ đang bị cấp tính; ngoài ra có có ý nghĩa xác định cơ thể đã có miễn dịch đối với HAV.

Sàng lọc viêm gan B (HBV)

Việc xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virút viêm gan B cần được xét nghiệm máu bước đầu để đánh giá tình trạng bệnh và tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B.

Xét nghiệm máu bước đầu giúp định lượng transaminase, nhất là GPT (glutamat pyruvat transaminase), phát hiện HBsAg là kháng nguyên bề mặt. Đây là hai xét nghiệm tối thiểu. Nếu cơ sở y tế có điều kiện thì thực hiện thêm các xét nghiệm khác như: xét nghiệm kháng thể IgM kháng kháng nguyên nhân (Anti - HBc IgM), xét nghiệm kháng thể kháng HCV (Anti - HCV) để phân biệt với viêm gan virút C, xét nghiệm kháng thể kháng HAV (Anti - HAV) để phân biệt với viêm gan virút A.

Viêm gan C (HCV)

Việc sàng lọc để phát hiện virút viêm gan C được thực hiện bằng cách lấy máu xét nghiệm transaminase và kháng thể kháng viêm gan C (Anti - HCV); kháng thể này có thể tồn tại tới trên 6 tháng, có nghĩa là bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Cần xét nghiệm định lượng thêm - 2 microglobulin, nếu thấy cao có nghĩa là bệnh đã thành mạn tính và càng cao khi ở thể bệnh viêm gan mạn tính hoạt động. Nếu có điều kiện, có thể xét nghiệm HCV - ARN, khi thấy kết quả dương tính là tiên lượng xấu.

Viêm gan D (HDV)

Việc sàng lọc để phát hiện virút viêm gan D được thực hiện bằng cách lấy máu xét nghiệm tìm kháng nguyên HDV Ag, kháng thể Anti - HD IgG, kháng thể Anti - HD IgM. Hai loại xét nghiệm đầu đều dương tính, loại xét nghiệm thứ ba có thể dương tính hoặc âm tính có khả năng xác định viêm gan D. Nếu máu chỉ có kháng thể Anti - HD IgG dương tính có nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh trong quá khứ.

Các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các loại virút viêm gan thường có tính chất định tính hoặc bán định lượng nhằm giúp định hướng trong việc chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, chúng có khả năng giúp xác định, kết luận được một cách chắc chắn tình trạng bị nhiễm bệnh viêm gan do virút như: xét nghiệm HBsAg, HBeAg...Trên thực tế, việc xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh viêm gan do virút rất cần thiết; nếu có điều kiện nên thực hiện nhằm xem xét, đánh giá.

  1. Phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp (H.pylori)

Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp được áp dụng trong lâm sàng và trong nghiên cứu. Tuỳ theo phương pháp đó có cần qua nội soi dạ dày tá tràng hay không hay không, người ta chia làm hai nhóm là: các phương pháp xâm lấn và các phương pháp không xâm lấn.

Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp có xâm lấn

Qua nội soi dạ dày và lấy các mảnh sinh thiết để xét nghiệm. Phương pháp này cho phép kiểm tra được hình thái tế bào, xác định được chủng Hp, nuôi cấy và làm được kháng sinh đồ để xem vi khuẩn Hp nhạy cảm với loại kháng sinh nào.

  • Test Urease: Dựa trên cơ sở Hp tiết ra nhiều men Urease đã phân hủy urea thành amoniac và làm cho môi trường trở nên kiềm tính, từ đó làm dung dịch ure-Indol màu vàng chuyển sang màu hồng tím trong môi trường kiềm.
  • Phương pháp mô bệnh học: Bệnh phẩm được cố định bằng Formol 10% được xử lý theo phương pháp thông thường, cắt mảnh 4 – 6 mm. Nhuộm màu bằng nhiều phương pháp như: Hematixyline – eosine (H.E), Warthin- Starry, Giemsa, nhuộm Acridine- Orange và nhuộm hoá mô miễn dịch với kháng thể không đánh dấu, nhuộm Peroxydase- Antiperoxydase. Trong các phương pháp trên, nhuộm Giemsa thường được áp dụng hơn cả vì đơn giản, rẻ tiền, cho kết quả nhanh.
  • Phương pháp nuôi cấy: Mảnh sinh thiết được nghiền trong 0,5 ml nước muối sinh lý trong vài giây, sau đó được cấy vào môi trường cấy. H.pylori là một loài vi khuẩn yếu và khó nuôi cấy. Nhiệt độ môi trường phải luôn ở 370C. Quan sát hàng ngày sẽ thấy các khuẩn lạc tròn, sáng sau 3 ngày.

 Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp không xâm lấn

Có nhiều phương pháp không xâm lấn đã được sử dụng, tuy nhiên 3 phương pháp sau được sử dụng nhiều nhất vì cho độ nhậy và độ đặc hiệu cao, dễ sử dụng và ngày càng được ứng dụng nhiều.

  • Test thở CO2 phóng xạ: Dựa trên khả năng của H.pylori phân huỷ ure thành amoniac và CO2. Cho bệnh nhân uống một dung dịch ure phóng xạ C13 hoặc C14, khi có mặt H.pylori thì ure phóng xạ này sẽ bị phân huỷ và giải phóng ra COphóng xạ, chất này được hấp thụ vào máu và được thải ra qua phổi  trong khí thở ra, sau đó người ta đo CO2 phóng xạ trong vòng 1 giờ. Các mẫu khí thở ra được phân tích tìm phóng xạ bằng máy đếm nhấp nháy. Phương pháp cho độ nhậy 85%, độ đặc hiệu 79%.
  • Test thở với ure phóng xạ C13

Ưu điểm là không bị nhiễm xạ, an toàn nhưng cần phải phân tích qua máy quang phổ kế. Có thể dùng được cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em. Đánh giá kết quả bằng chỉ số DOB, nếu DOB> 4% là có nhiễm H.pylori và DOB< 4% là không nhiễm H.pylori. Trước khi làm test hơi thở, bạn có thể yêu cầu kỹ thuật viên cho biết, bạn đang chuẩn bị được làm xét nghiệm hơi thở với chất có phóng xạ hay không.

  • Test thở với ure C14

Phân tích với máy đếm nhấp nháy có giá thành rẻ hơn nhưng có nhiễm xạ với liều nhỏ (1/1000 lần so với chụp Xquang). Không nên dùng test này cho phụ nữ trong tuổi sinh nở, có thai, cho con bú và trẻ nhỏ vì bản chất C14 là chất phóng xạ.

  • Test huyết thanh: Dựa trên cơ sở tìm thấy kháng thể H.pylori trong huyết thanh. Người ta sử dụng phương pháp sắc ký miễn dịch để phát hiện các kháng thể IgG đặc hiệu trong huyết thanh bệnh nhân có nhiễm H.pylori, phương pháp cho kết quả nhanh, không phức tạp. Dùng để chẩn đoán một bệnh nhân mới, hay nghiên cứu dịch tễ học. Không dùng để theo dõi điều trị vì tỉ lệ IgG giảm rất chậm. Phương pháp cho độ nhậy (95-100%), độ đặc hiệu (91-98%).
  • Xét nghiệm tìm kháng thể H.pylori trong phân (H.pylori stool antigen test):  Phương pháp này phát hiện kháng nguyên H.pylori trong phân, có giá trị trong chẩn đoán nhiễm H.pylori ở trẻ em, người lớn, có thể sử dụng trong đánh giá kết quả điều trị. Phương pháp cho độ nhậy (91-98%), độ đặc hiệu (94-99%).

Theo Hội tiêu hóa Việt Nam

  1. Các phương pháp xét nghiệm bệnh ký sinh trùng.

Bệnh phẩm

Thông thường bệnh phẩm được lấy từ sản phẩm đào thải của lý sinh trùng hoặc nơi nó cư trú. Những bệnh phẩm để xét nghiệm ký sinh trùng bao gồm:

- Máu: Có thể tìm ký sinh trùng giun chỉ, sốt rét, trùng roi hay chẩn đoán miễn dịch.

- Phân: Giúp tìm ra các loại trứng giun sán, ấu trùng giun lươn, đơn bào.

- Tủy xương: Có tác dụng tìm ký sinh trùng sốt rét khi cần thiết.

- Mô: Tìm ra một số ký sinh trùng sống trong mô như ấu trùng giun xoắn, ấu trùng sán dây lợn, các vi nấm.

- Những loại dịch cùng chất thải khác: Mủ vết thương, đờm, dịch ngoáy họng, dịch âm đạo, dịch màng bụng, dịch niệu đạo, dịch màng phổi, dịch rửa phế quản, dịch não tủy, chất nôn để tìm ra các loại đơn bào hay vi nấm gây bệnh.

- Một số bệnh phẩm có tế bào sừng như: vảy da, lông tóc, móng tìm những vi nấm gây bệnh.

- Mẫu vật giúp tìm ký sinh trùng: Ngoài việc chẩn đoán xác định ký sinh trùng ở người cũng cần tìm ký sinh trùng ở vật chủ trung gian, hay trong môi trường ngoại cảnh...Một số vật mẫu cụ thể là: vật chủ trung gian như tôm, cá, cua; hay sinh vật trung gian như ruồi, nhặng; nước; rau; đất,...

Những kĩ thuật xét nghiệm ký sinh trùng

- Xét nghiệm ký sinh trùng trực tiếp giúp tìm ký sinh trùng trưởng thành, trứng, ấu trùng hoặc đoạn AND của ký sinh trùng.

  • Kỹ thuật soi tươi: Thực hiện với nước muối sinh lý hay với KOH tùy từng loại bệnh phẩm.
  • Thực hiện kỹ thuật nhuộm soi: Bạn có thể nhuộm sống với xanh methylen hay đỏ trung tính 1/10000 để xem được cấu tạo của đơn bào. Ngoài ra còn thực hiện nhuộm chết từ đơn giản tới phức tạp: nhuộm Gram, nhuộm lugol, nhuộm Giêm Sa, Hematoxilin Fe, nhuộm P.A.S, nhuộm HE.
  • Kỹ thuật nuôi cấy giúp chẩn đoán các vi nấm.
  • Thực hiện kỹ thuật khuếch đại gien PCR

- Xét nghiệm gián tiếp: Thực hiện dựa vào phản ứng đặc hiệu giữa kháng nguyên như những chất được ký sinh trùng tiết ra hay ký sinh trùng và kháng thể, đây còn được gọi là chẩn đoán miễn dịch học.

Việc xét nghiệm gián tiếp được áp dụng trong trường hợp khó hay không tìm được ký sinh trùng trực tiếp.

  • Phản ứng miễn dịch điện li (immunoelectrophoresis).
  • Phản ứng ngưng liên kết hồng cầu (hémagglutination test).
  • Phản ứng miễn dịch men (ELISA).
  • Phản ứng miễn dịch huỳnh quang (immunofluorescence).

Tin cùng chuyên mục

img

SINH HÓA

Xét nghiệm sinh hóa máu (xét nghiệm máu sinh hóa) là xét nghiệm y học khá thông dụng trong việc chẩn đoán và theo dõi bệnh lý đồng thời đánh giá tình trạng hoạt động toàn bộ chức năng của cơ thể.

[ Xem thêm ]
img

HUYẾT HỌC

Xét nghiệm huyết học là một trong những xét nghiệm thường quy được sử dụng nhiều nhất trong các xét nghiệm huyết học cũng như xét nghiệm y khoa. Và xét nghiệm này được chỉ định làm cho hầu hết các bệnh nhân dù đi khám ở bất kỳ phòng khám hay bệnh viện nào.

[ Xem thêm ]

KHÁCH HÀNG CỦA CHÚNG TÔI

 

 

 

CÔNG TY TNHH Y KHOA HOÀNG MỸ SÀI GÒN

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HOÀNG MỸ SÀI GÒN
Địa chỉ : 50 Phan Huy Ích, Phường 15, Quận Tân Bình, TP. HCM.
CSKH: 0934 117 009 
Tư vấn: 0903 933 011 (Ms.Điểu)/ 0934 117 009 (Mr. Nhung)
Hotline: 0903 933 011 - 028.3815.1615
Email: hoangmysaigon@gmail.com
Giờ làm việc: T2-T7: 7h00-17h00 - CN: 7h00-12h00

Đăng ký nhận tin

Hotline: (028) 3815 1615 | Bệnh chứng Tư vấn ngay |Phương pháp trị Tư vấn ngay |Mã đặt hẹn Đặt hẹn