Nghiên cứu về ảnh hưởng của việc thiếu ngủ của Đại học Hong Kong phát hiện những bác sĩ trực ca đêm có nguy cơ tổn thương ADN cao, hoạt động của gene liên quan đến khả năng sửa chữa ADN cũng kém đi, SCMP đưa tin.
Trên tạp chí y học Anaesthesia, nhóm tác giả cho biết đã tiến hành khảo sát và xét nghiệm máu của 49 bác sĩ khỏe mạnh làm việc toàn thời gian tại hai bệnh viện khác nhau. 24 người trong số đó phải trực từ xế chiều đến sáng sớm hôm sau 5 hoặc 6 lần mỗi tháng. 25 bác sĩ còn lại chỉ làm giờ hành chính.
Kết quả cho thấy nhóm bác sĩ làm việc qua đêm có tỷ lệ bị phá vỡ ADN- một dạng tổn thương ADN - cao hơn 30% các bác sĩ khác. Nguy hiểm hơn, chỉ một đêm thiếu ngủ cấp tính sẽ tăng thêm 25% tổn thương ADN. Hoạt động của gene liên quan đến khả năng sửa chữa ADN của họ cũng kém đi, dẫn đến các bệnh nguy hiểm do biến đổi gene như ung thư.
Ảnh: Shutterstock
Công trình trên là một trong những nghiên cứu đầu tiên về ảnh hưởng của tình trạng thiếu ngủ đến con người, đặc biệt ở độ tuổi mới trưởng thành.
"Nghiên cứu còn sơ bộ song vẫn chỉ ra gián đoạn giấc ngủ ảnh hưởng xấu đến bộ gene con người," tiến sĩ Gordon Wong Tin-chun, đồng tác giả nghiên cứu, phó giáo sư khoa gây mê, Đại học Hong Kong nói.
Thời lượng giấc ngủ ở mỗi độ tuổi là khác nhau. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người trưởng thành tuổi từ 18 đến 60 cần ngủ ít nhất 7 tiếng một đêm.
Giáo sư Michael Irwin, trưởng khoa gây mê Đại học Hong Kong cho biết thiếu ngủ tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm tư duy phán đoán của con người.
"Các bác sĩ làm việc ca đêm nên hạn chế thực hiện các ca phẫu thuật hoặc gây mê vào ban đêm," ông khuyến cáo.
Ông Wong bổ sung: "Mỗi người nên quan tâm hơn đến thói quen nghỉ ngơi cũng như giấc ngủ của mình".