Dưới đây, bác sĩ tim mạch xin giới thiệu với bạn đọc về những cách đơn giản phòng tránh bệnh tim mạch và đột quỵ khi ngồi nhiều.
Tại sao ngồi nhiều lại dễ mắc bệnh tim và đột quỵ?
Khi ngồi nhiều và ít vận động, tuần hoàn máu trong cơ thể sẽ bị suy giảm một cách đáng kể. Khi đó, nhu cầu co bóp cơ tim bị giảm xuống, tuần hoàn máu chậm lại, nồng độ mỡ máu xấu tăng cao, lâu ngày sẽ làm chức năng tim suy giảm, gây ra suy tim, tăng huyết áp, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn động mạch vành, thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim….
Bên cạnh đó, khi tuần hoàn máu chậm lại sẽ gây ra những cơn thiếu máu não thoáng qua với những biểu hiện như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng… khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế đột ngột. Phải làm gì để giảm nguy cơ này?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Để giảm nguy cơ mắc
bệnh tim mạch và đột quỵ khi ngồi nhiều không có cách nào khác là giảm thời gian ngồi, tăng thời gian vận động, kết hợp cùng chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh. Bạn có thể áp dụng các cách sau:
Tăng cường thời gian đi lại
Nếu tính chất công việc phải ngồi nhiều, bạn cần tạo cho mình cơ hội đi lại nhiều hơn như: đi lại sau khi ăn trưa, đi lại khi nghe điện thoại, đi lại lấy tài liệu, trao đổi công việc với đồng nghiệp thay vì chỉ ngồi gửi email, hoặc chat skype, zalo, facebook, đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy, lấy nước uống, đi làm bằng xe đạp,…
Thay đổi tư thế trong thời gian làm việc
Trong suốt thời gian làm việc, bạn cần thay đổi tư thế liên tục. Cứ 30-45 phút, bạn nên đứng dậy vận động một chút, vươn vai, vươn mình, gập/ngửa cổ, lắc đầu, ưỡn ngực, quay trước quay sau, duỗi chân, xoay cổ tay, cổ chân, hoặc vận động tại chỗ với những bài tập đơn giản dành cho dân văn phòng… Làm như vậy bạn không chỉ ngăn ngừa được nguy cơ mắc các bệnh cơ xương khớp mà còn giúp máu lưu thông tốt, bảo vệ sức khỏe bản thân.
Dành thời gian mỗi ngày để tập thể dục
Thời gian ngồi làm việc của bạn đã quá nhiều, vì vậy khi về nhà, bạn không nên tiếp tục ngồi hàng giờ để xem ti vi, sử dụng máy tính, điện thoại,… hãy đứng lên đi lại, làm những công việc nhà hoặc dạo bộ trong công viên và nhất là dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Thậm chí, bạn có thể vừa nằm xem ti vi vừa tập các động tác đơn giản như đưa chân lên xuống, đạp xe đạp, đá chân vuông góc với thân… Hãy tập bất cứ động tác hoặc bất cứ môn thể thao nào có thể: đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập gym, lắc vòng, đánh cầu lông, đá bóng, yoga…
Chế độ ăn uống để có một trái tim khỏe mạnh
Bạn nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần. Nên uống sữa đậu nành thường xuyên vì đây được xem là thực phẩm lý tưởng giúp giảm cholesterol, rất tốt cho trái tim của bạn.
Hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn chế biến sẵn và những thức ăn nhiều muối, đường, dầu mỡ như bánh snack, nước ngọt có ga, dưa muối, bánh kẹo ngọt…, vì tất cả chúng góp phần làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường và các bệnh tim mạch. Hãy từ bỏ việc hút thuốc ngay hôm nay, đông thời hạn chế uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe của cơ thể bạn.
Tránh làm việc quá mức, tránh stress
Đừng ngồi bất động, miệt mài ngày đêm trước màn hình vi tính, phải có khoảng “dừng nghỉ” đúng lúc, xen kẽ thời gian làm việc là những bài tập thể dục giữa giờ đơn giản nhưng lại rất giúp ích cho sức khỏe nhất là trái tim của bạn… Quá căng thẳng và áp lực trong công việc đưa đến stress và một mối nguy hại vô cùng lớn, không chỉ đối với tim mạch mà còn đối với tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, bạn cần biết giải tỏa căng thẳng stress bằng những hoạt động hữu ích như vận động thể lực, tập thiền thư giãn, hay tham gia các hoạt động hữu ích dành cho cộng đồng…
Xã hội ngày càng phát triển đi kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh nhất là tim mạch bởi lối sống thiếu khoa học, môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu… Chúng ta nên áp dụng những cách đơn giản hiểu quả để phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, để có trái tim khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.