Huyết áp là thông số đo lực tác động của máu lên thành động mạch. Vào mùa đông, thời tiết giá lạnh sẽ làm cho mạch máu co lại, khiến áp lực máu tăng lên. Điều này chính là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Nghiêm trọng hơn, nếu bị lạnh bất ngờ, huyết áp tăng đột ngột sẽ gây ảnh hưởng cực nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Nếu từng mắc phải tình trạng này, nên phòng tránh ngay từ đầu để tránh những nguy cơ xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để phòng tránh tăng huyết áp trong mùa lạnh, nên áp dụng một số cách sau:
Cẩn thận khi ăn uống
Hãy hạn chế các chất béo có hại như mỡ động vật, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp…, không nên ăn quá nhiều muối, tránh xa các đồ uống có cồn bởi chúng có thể gây hại cho huyết áp của chúng ta. Bên cạnh đó, hãy tăng cường rau xanh, trái cây và uống đủ nước mỗi ngày.
Hãy hạn chế các chất béo có hại như mỡ động vật, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp... Ảnh minh hoạ: Internet
Luôn giữ ấm cơ thể
Để đảm bảo quá trình lưu thông và tuần hoàn máu diễn ra bình thường, cháu cần giữ ấm cơ thể trong những ngày giá lạnh. Hãy luôn mặc ấm, chú ý quàng khăn, đeo găng tay và tất bởi đó là những bộ phận dễ bị lạnh nhất.
Chú ý khi tắm
Khi thời tiết lạnh, nên tắm bằng nước ấm và tuyệt đối tránh tắm quá lâu hoặc tắm khuya.
Tránh ra ngoài đột ngột
Hãy mở cửa một cách từ từ khi ra ngoài trời lạnh để cơ thể thích nghi dần dần.
Nói “không” với thuốc lá
Thuốc lá vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới huyết áp, vừa gây nhiều bệnh tật cho cả cơ thể.
Thường xuyên tập luyện
Tập luyện đều đặn và phù hợp với sức khỏe là rất quan trọng đối với người bị tăng huyết áp, giúp nâng cao khả năng chống lạnh và ổn định huyết áp.
Tuy nhiên, khi tập thể dục, người bệnh cần chọn chỗ kín gió, ấm áp, khi thời tiết quá lạnh hay nhiều gió có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Tập thể dục điều độ, không nên thức dậy quá sớm khi trời lạnh. Ảnh minh hoạ: Internet Những điều cần tránh đối với người bệnh tăng huyết áp trong mùa lạnh:
Giữ tâm lý thoải mái
Bệnh nhân tăng huyết áp cần hết sức chú ý đến các trạng thái tình cảm xảy ra hàng ngày trong cuộc sống như lo lắng, căng thẳng, tức giận... dễ không kiểm soát được huyết áp.
Tuân thủ đúng chỉ định điều trị
Người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, tự ý dừng uống thuốc hay uống tăng liều thuốc hoặc uống các loại thuốc khác do người khác truyền tai, mách mẹo.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Người bệnh cao huyết áp cũng được khuyên nên kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà để đảm bảo sức khỏe ổn định.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào ban đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra.
Người bệnh không nên thức dậy quá sớm. Bởi sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu ít đàn hồi và khí huyết lưu thông kém hơn. Dậy quá sớm bước ra ngoài gặp cơn gió lạnh sáng sớm cũng có thể khiến huyết áp tăng cao. Nhiều cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim buổi sáng đã xảy ra ở những người cao tuổi, người có thói quen tập thể dục sáng sớm.
Đặc biệt, vào mùa lạnh người bệnh không nên dùng bếp than để sưởi ấm vì dễ gây ngộ độc khí CO rất nguy hiểm. Có thể dùng máy điều hòa hoặc sử dụng bóng điện đỏ để tạo môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện, nghỉ ngơi. Khi có các biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu chi, nói khó, đau tức ngực, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... phải kiểm tra ngay huyết áp xem có gì bất thường, đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.