Về bản chất việc sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó.
Vắc-xin kích thích sự thích ứng và phản ứng của hệ miễn dịch để sinh ra những tế bào nhớ cụ thể, nhờ vậy hệ miễn dịch có thể phản ứng nhanh hơn nếu bị nhiễm khuẩn sau này.
Vắc-xin được coi là một loại “thuốc” vì nó hội đủ các đặc điểm của một loại thuốc theo tiêu chuẩn dược điển. Tuy nhiên, vắc-xin được xem là một loại thuốc đặc biệt vì nó được dùng cho những người đang mạnh khỏe, từ khi em bé lọt lòng mẹ.
Vắc-xin cũng được liệt vào danh mục những chế phẩm thuốc có độ an toàn cao nhất trong điều kiện sử dụng đúng chỉ định và tuân thủ đúng quy trình tiêm chủng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển - nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể giúp tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể.
Mỗi vắc xin có chứa loại vi sinh vật gây bệnh, hoặc một phần của nó và thường có hai dạng sống giảm độc lực hoặc bất hoạt (chết) của vi sinh vật, hoặc kháng nguyên độc tố hoặc một trong các protein bề mặt của nó.
Vắc xin vào cơ thể tương tác với hệ thống miễn dịch và tạo ra một đáp ứng miễn dịch, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.
Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội:
Khoảng 85% - 95% người được sử dụng vắc xin sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh.
Người được sử dụng vắc xin không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra.
Nhờ có vắc xin hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm.
Trẻ nhỏ cần được tiêm vắc-xin để phòng chống bệnh tật ngay từ khi lọt lòng
Vắc xin góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin đã cứu sống 3 triệu người mỗi năm và giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được chi phí với những con số đáng chú ý:
Việc thanh toán bệnh Bại liệt giúp tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng.
Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.
Cứ 1 USD chi cho vắc xin sởi, quai bị, rubella thì tiết kiệm được 21 USD (theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, nếu không được sử dụng vắc xin và đặc biệt là vắc xin dùng cho trẻ nhỏ thì cơ thể sẽ dễ nhiễm bệnh và tình trạng bệnh nếu có sẽ dễ bị nặng.
Những tác dụng phụ "rất hiếm" của vắc xin
- Sốt co giật: do sốt cao, thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.
- Bé đột nhiên trở nên nhợt nhạt, yếu ớt và không đáp lại từ 1 đến 48 giờ sau khi tiêm.
- Tắc nghẽn ruột (lồng ruột): xảy ra khi một phần của ruột lồng vào phần kế tiếp, tựa như những phần kính thiên văn xếp chồng lên nhau. Bé có thể bị hiện tượng này trong vòng 7 ngày sau khi dùng vắc xin liều 1 và liều 2 ngừa Rotavirus.
- Viêm một dây thần kinh ở cánh tay (Viêm dây thần kinh cánh tay): gây cảm giác yếu đuối hoặc tê ở cánh tay.
- Dị ứng nặng (sốc phản vệ) xảy ra đột ngột, thường là trong vòng 15 phút sau khi dùng vắc xin nhưng vẫn có thể xảy ra trong vòng vài giờ sau đó.
- Hội chứng Guillain-Barre: gây chứng liệt tăng dần và đôi khi tê bại. Hội chứng này đã từng được xác định có liên quan đến vắc xin ngừa bệnh cúm nhưng rất hiếm khi xảy ra.