Vấn đề này càng tăng lên trong nhiều thế kỷ qua. Khi công nghiệp và công nghệ ngày càng phát triển, chúng giải quyết nhu cầu vật chất của lao động chân tay, nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức mới cho cơ thể con người.
Công việc bàn giấy bận rộn khiến con người ngày càng lười vận động. Ảnh: Defactordentists. Mối quan hệ giữa con người và tập thể dục là phức tạp. Các báo cáo từ Anh và Mỹ cho thấy đây là điều mà con người kiên trì đấu tranh. Tất cả chúng ta đều biết rằng cần phải tập thể dục, nhưng hàng trăm triệu người không thể đối mặt với việc thực sự làm điều đó. Có lẽ vấn đề nằm ở ý tưởng tập thể dục.
Tập thể dục là chuyển động của các cơ và tay chân với mục đích cụ thể, thường là để tăng cường thể lực. Nhưng với rất nhiều công việc phải hoàn thành trong ngày, tập thể dục là một trong những nhiệm vụ dễ trốn tránh nhất. Vào cuối ngày làm việc, hầu hết mọi người đều thích hưởng thụ các hoạt động giải trí ít vận động thay vì làm điều tốt cho mình: tập luyện.
Con người ngày càng lười vận động
Các bằng chứng về sức mạnh và mật độ xương thu được từ hóa thạch của những người cổ đại đầu tiên cho thấy, trong hàng trăm ngàn năm, mức độ di chuyển của con người cao hơn rất nhiều so với chúng ta ngày nay. Và phạm vi công việc cần tới hoạt động di chuyển của con người ngày xưa để tồn tại là rất lớn từ săn bắn, xây dựng nơi trú ẩn, tự chế công cụ sản xuất và trốn tránh kẻ săn mồi. Hồ sơ hóa thạch cho chúng ta biết rằng những người tiền sử mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn con người ngày nay rất nhiều.
Nhanh chóng phát triển qua từng thời kỳ, con người đã có robot hút bụi, máy rửa chén, máy giặt, lò nướng, máy pha cà phê... cho những công việc đơn giản nhất trong nhà. Mỗi thiết bị này dần giảm đi thời gian di chuyển của chúng ta trong suốt cả ngày.
Do lối sống nhàn nhã, xương của con người bắt đầu mỏng hơn, cơ bắp yếu hơn. Điều đó kéo theo rất nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim và đột quỵ là nguyên nhân gây ra khoảng 17 triệu ca tử vong mỗi năm.
Các loại thiết bị theo dõi hoạt động cả ngày như Apple Watch hay Fitbit ra đời để can thiệp, giúp con người ý thức hơn về việc hoạt động của mình. Tuy nhiên, chúng cũng không thể giải quyết được vấn đề lâu dài.
Một báo cáo năm 2015 của Viện Hàn lâm Y học hoàng gia Anh cho biết tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm rủi ro mắc đột quỵ, một số bệnh ung thư, trầm cảm, bệnh tim và bệnh mất trí nhớ tới 30%. Nguy cơ ung thư ruột giảm 45%, huyết áp cao và tiểu đường loại 2 chỉ còn 50%.
Tập thể dục không phải là một xu hướng nhất thời hay một lựa chọn hoặc là một phần bổ sung cho lối sống bận rộn của chúng ta: nó giúp chúng ta tồn tại. Nhưng trước khi nó có hiệu quả, con người cần phải thay đổi toàn bộ cách tiếp cận với tập luyện.
Con người cần cân bằng lối sống thụ động
Con người rõ ràng cần hoạt động thường xuyên, nhưng thế giới hiện đại đang cố gắng kéo chúng ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Sự hiện đại đặc trưng cho sự đơn giản hóa, cải thiện và tối đa hóa hiệu quả. Vì vậy, các cơ quan y tế, bệnh viện luôn khuyến khích người dân tập thể dục để bảo vệ sức khỏe.
Y tế Công cộng Anh đã phát động chiến dịch Active10 khuyến khích người dân đi bộ nhanh 10 phút mỗi ngày vì nó có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, tiểu đường loại 2, chứng mất trí và một số bệnh ung thư.
Các ảnh hưởng sức khỏe của việc ít vận động rất dễ nhận biết vì chúng nghiêm trọng. Lo lắng, trầm cảm, bệnh tim, ung thư vú, ung thư ruột kết, tiểu đường loại 2, béo phì... đều có nguyên nhân là ít vận động.
Cơ thể hoạt động tốt dựa vào việc chúng ta đốt cháy calo trong suốt cả ngày và không phải trong những đợt ngắn. Bởi vậy, rõ ràng việc lười vận động sẽ có hại cho cơ thể.
Nhưng những người sống thọ nhất thế giới lại không tập thể dục
Nếu tập thể dục tăng cường tuổi thọ, có lẽ bạn sẽ hi vọng trở thành "vận động viên" ưu tú. Tuy nhiên, điều đó lại không hề đúng. Theo khảo sát, những người khỏe mạnh nhất hành tinh chưa bao giờ đến phòng tập thể dục. Những người này, có mức độ hạnh phúc và tuổi thọ rất cao, sinh sống ở nơi gọi là "khu vực màu xanh da trời".
Thuật ngữ này được đặt ra bởi 2 nhà nhân khẩu học, Gianni Pes và Michel Poulain, xác định những nơi có tuổi thọ đặc biệt cao trên bản đồ thế giới bằng bút dạ màu xanh da trời.
Trong nhiều năm, nhiều nghiên cứu đã xem xét lối sống của người dân ở khu vực này và nhận thấy một số phong tục và thói quen của họ góp phần kéo dài tuổi thọ (mọi thứ từ ý thức, không hút thuốc, chế độ ăn uống thực vật). Tuy nhiên, trong danh sách này các yếu tố góp phần, không có sự góp mặt của tập thể dục.
Nhà nhân khẩu học Gianni Pes khẳng định rằng mặc dù chế độ ăn uống và môi trường là thành phần quan trọng của tuổi thọ, việc ít vận động lại là kẻ thù của tuổi tác. Ông Pes cũng phát hiện rằng hoạt động ở đây không phải là loại hình tập thể dục, mà nó thể hiện năng lượng bạn sẽ tiêu tốn trong suốt cả ngày.
Những người sống trên 110 tuổi (gọi là supercentenarians) mà Pes đã từng nghiên cứu thường đi bộ rất nhiều mỗi ngày khi làm việc. Họ không bao dành nhiều thời gian để ngồi ở bàn làm việc.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng duy trì hoạt động ở mức độ thấp đều đặn trong suốt cả ngày dường như hiệu quả. Mục tiêu đi bộ 10.000 bước mỗi ngày là ý tưởng hay. Ngay cả khi chúng ta đến phòng tập thể dục vào cuối tuần nhưng lại không tập luyện vào những thời điểm khác, nó vẫn gây hại cho cơ thể. Thậm chí, thể dục cường độ cao quá mức lại thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và chuyển hóa tế bào, dẫn đến đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Bởi vậy, chúng ta nên chấp nhận rằng tập thể dục không hoạt động như chiến lược thể dục toàn cầu khi mà nó vẫn là sự bổ sung sau ngày làm việc. Thay vào đó, chúng ta nên khuyến khích mọi người di chuyển, vận động thường xuyên để khỏe mạnh hơn. Tập thể dục chỉ trở thành hoạt động thể chất khi nó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn.