Bệnh nhân ung thư có thể cảm thấy tức giận vì căn bệnh ung thư đã gây ra nhiều phiền phức cho cuộc sống của mình. Họ có thể tức giận về cách gia đình và bạn bè đối xử với mình khi biết mình mắc căn bệnh này. Nhiều người cũng tự đặt câu hỏi “Tại sao lại là tôi?”, điều này có thể dẫn đến cảm giác tức giận và nản lòng. Các triệu chứng ung thư và các tác dụng phụ liên quan đến điều trị, chẳng hạn như khó ngủ, mệt mỏi, đau đớn và buồn nôn có thể khiến ngay cả những người lạc quan nhất cũng cảm thấy chán nản, dễ cáu kỉnh và tức giận.
Đối mặt với sự tức giận
Thông thường hành động tức giận được coi là không tốt. Nhưng giống như bất kỳ các loại cảm xúc nào khác, tức giận là loại cảm xúc mà đôi khi chúng ta cần phải trải nghiệm qua. Nhiều người mắc bệnh ung thư cảm thấy tội lỗi vì đã tức giận hoặc chỉ đơn giản là không biết phải thể hiện cảm xúc của mình như thế nào. Kết quả là người đó sẽ giữ kín cảm xúc của mình.
Một số người thì cố gắng để đối phó với sự tức giận bằng cách lạm dụng rượu và ma túy. Những người khác biểu lộ sự tức giận của họ theo cách gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Việc tức giận dai dẳng và không tìm ra được cách thể hiện cảm xúc này ra ngoài theo cách tích cực có thể dẫn đến trầm cảm. Mặc dù trầm cảm thường gặp ở bệnh nhân ung thư nhưng KHÔNG NÊN coi nó là một phần bình thường trong cuộc sống của những bệnh nhân này. Hãy tìm hiểu thêm về các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm và cách tìm sự trợ giúp.
Thật ra, sự tức giận có thể giúp người bệnh thay đổi mang đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống nếu nó được thể hiện một cách an toàn và tích cực. Ví dụ, sự tức giận về căn bệnh ung thư có thể giúp bệnh nhân có thêm năng lượng và sức mạnh cần thiết để vượt qua những thách thức trong điều trị.
- Thể hiện sự tức giận một cách lành mạnh: Cách tốt nhất để đối phó với sự tức giận là xác định nó và tìm một cách lành mạnh để thể hiện nó. Hãy tham khảo những lời khuyên sau đây để kiểm soát cơn tức giận.
- Nhận ra sự tức giận của bạn: Đôi khi người ta tức giận mọi việc xung quanh trước khi nhận ra rằng tất cả chỉ là do họ đang đấu tranh với cảm xúc tức giận của chính bản thân mình.
- Tránh thể hiện sự giận dữ với người khác: Nguồn gốc sự tức giận của bạn xuất phát từ những cảm xúc cá nhân chứ không phải là lỗi của người khác.
- Đừng để sự giận dữ che lấp các trạng thái cảm xúc khác: Đôi khi người ta thể hiện sự tức giận để che giấu những cảm xúc tổn thương thường khó hoặc không tiện thể hiện, chẳng hạn như buồn bã hoặc vô vọng.
- Đừng để cho sự giận dữ tích tụ: Thể hiện ngay những cảm xúc của bản thân khi bạn nhận ra chúng. Việc kiềm nén các cảm xúc lâu dài sẽ dẫn đến việc thể hiện sự tức giận một cách tiêu cực.
- Tìm cách an toàn để thể hiện sự tức giận: Bạn có thể diễn tả và giải tỏa cơn giận của bạn theo một số cách lành mạnh, bao gồm:
+ Thảo luận về những lý do xuất phát sự tức giận với một thành viên đáng tin cậy trong gia đình hoặc bạn bè.
+ Thực hiện một động tác thể dục trong khi bạn cảm thấy tức giận đang ở mức cao độ.
+ Đấm vào gối bằng nắm tay hoặc đập bằng gậy bằng nhựa.
+ Hét lên trong xe ô tô hoặc phòng riêng.
+ Thử cách giải tỏa bằng các liệu pháp khác như chẳng hạn như massage, các kỹ thuật thư giãn, hoặc âm nhạc hoặc liệu pháp nghệ thuật.
Cân nhắc việc tham vấn
Nếu bạn cảm thấy khó kiểm soát và thể hiện sự tức giận của mình một cách lành mạnh thì tham vấn cá nhân hay tham vấn nhóm có thể giúp bạn. Một chuyên gia tư vấn về sức khoẻ tâm thần có thể giúp bạn xác định điều gì đã làm khởi phát sự tức giận của bạn, từ đó giúp bạn tránh phản ứng phá hoại, tìm ra cách lành mạnh để thể hiện cảm xúc của bạn và học những kỹ năng đối phó có ích. Chuyên gia tư vấn cũng có thể giúp đánh giá xem cơn tức giận mạn tính có góp phần gây trầm cảm không và giúp bạn giải quyết các vấn đề liên quan khác như nghiện ngập và các vấn đề về mối quan hệ xung quanh.
Để tìm một chuyên gia tư vấn trong khu vực sinh sống tại Hoa Kỳ, hãy gọi cho Đường Dây Trợ Giúp APOS (American Psychosocial Oncology Society) theo số 1-866-276-7443. Tại Việt Nam hiện chưa có hệ thống hỗ trợ tương đương.