Ngày 16/10, tình hình bệnh nhân nặng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị trong tình trạng suy thận độ IV, suy gan nặng, được lọc máu cấp cứu hai lần.
Ngày 21/10, bệnh nhận rơi vào tình trạng hôn mê, thở máy. Dù đã được áp dụng kỹ thuật lọc máu, nhưng do diễn biến nặng dần, hôn mê sâu, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Qua khai thác bệnh sử và người nhà, bệnh nhận bị viêm gan B và suy thận mạn giai đoạn III. Bệnh nhân uống nấm linh chi khoảng 3 tháng nay. Trong 1 tháng gần đây, da bệnh nhân ngày càng vàng, đã được điều trị tại bệnh viện tuyến dưới không đỡ.
Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu, khoa từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân dùng các thuốc nam điều trị bệnh mạn tính như viêm gan, xơ gan cũng như được dùng các thuốc bổ như linh chi không rõ nguồn gốc gây tình trạng nhiễm độc suy gan, suy thận nặng. Điều khó khăn khi điều trị nhiễm độc thuốc nam là không có thuốc đặc hiệu.
Nhiễm độc thuốc nam hầu hết xảy ra từ từ, có người uống tới cả chục thang mới có biểu hiện nhiễm độc nên đa số người bệnh khi đến viện cấp cứu đã bị nặng do chất độc tích tụ trong cơ thể lâu. Đáng lo ngại, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, khi gan và thận bị suy nặng nên điều trị rất khó khăn.
Để tránh ngộ độc do thuốc nam, các bác sĩ khuyến cáo: bệnh nhân nên khám tại các cơ sở y tế tin cậy, và đúng chuyên khoa. Khi dùng thuốc nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đơn thuốc phải ghi thành phần thuốc, hàm lượng thuốc, cũng như liều lượng sử dụng.
Đặc biệt cần lưu ý tránh chữa bệnh theo phương thức truyền miệng thiếu cơ sở khoa học, bởi tất cả các thuốc dùng không đúng có thể tương tác gây nhiễm độc cho người bệnh, hậu quả khôn lường.