Bạn đọc Trần Thị G. (35 tuổi; TPHCM) hỏi: Tôi và con trai 10 tuổi của tôi giống nhau ở chỗ mỗi đợt sốt siêu vi, sốt xuất huyết… là bị sốt rất cao. Chúng tôi có uống thuốc hạ sốt nhưng bác sĩ chỉ cho uống tối đa 4 giờ/1 viên theo cân nặng của chúng tôi và nhiều khi khoảng 2 giờ sau là sốt lại, nhiều lúc phải uống quá liều và có lẽ đó là lý do dẫn dến nôn ói, rất khó chịu trong người. Lần vừa rồi tôi bị sốt cao nhưng vẫn cố chờ đủ 4 giờ để uống viên thuốc tiếp theo và hậu quả là sốt lên quá cao, run tay chân, phải nhập viện… Tôi rất lo lắng, nhất là cho con mình. Tôi cũng nghe nói uống thuốc hạ sốt (paracetamol) quá liều sẽ có hại? Có cách nào để hạ sốt tốt mà không phải dùng quá nhiều thuốc không, vì tôi đã lau mát nhưng không hiệu quả? Tôi nghe nói day ấn một số huyệt sẽ có tác dụng nhưng không biết làm thế nào.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM, trả lời:
Đúng là bạn chỉ nên uống thuốc theo lời khuyên của bác sĩ, vì bất cứ thuốc nào nếu dùng quá liều cũng có hại, bao gồm viên thuốc hạ sốt phổ biến như paracetamol.
Lau mát, uống đủ nước… là những cách có thể hỗ trợ hạ sốt. Bạn đã lau mát cho mình và con, vậy là đúng nhưng nếu sốt cao, cơn sốt quá mau, bạn có thể thử day, ấn một số huyệt như sau:
- Huyệt Khúc trì: ngay vị trí cuối nếp gấp xa xuất hiện khi bạn co khuỷu tay.
Huyệt Khúc trì (chấm đỏ)
- Huyệt Hợp cốc: ngay khe ngón cái và ngón trỏ, ở điểm gò cao nhất khi bạn khép 2 ngón tay này lại sát nhau.
Huyệt Hợp cốc
- Huyệt Thái dương: ngay 2 bên thái dương.
Huyệt Thái dương
- Huyệt Phong trì: ở hõm sau gáy.
Huyệt Phong trì
- Huyệt Thiếu dương: ngay góc móng tay cái.
Huyệt Thiếu dương
Nếu sốt nhẹ, bạn day, ấn mỗi huyệt khoảng 30 giây. Nếu sốt cao (39 độ trở lên), day, ấn khoảng 1 phút mỗi huyệt. Khi ấn đúng vào huyệt, bạn sẽ có cảm giác đau, thốn.
Nên lưu ý rằng nếu đã thử mọi biện pháp hạ sốt tại nhà mà vẫn sốt quá cao, cảm thấy mệt mỏi nhiều, mê man, co giật hay kèm các dấu hiệu nguy hiểm khác, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.