Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại vú, Bệnh viện K (Hà Nội) thực hiện thành công ca phẫu thuật bảo tồn, treo sa trễ ngực cho nữ bệnh nhân Phan Thị N. (47 tuổi, Hà Tĩnh) chẩn đoán ung thư vú giai đoạn I.
Phát hiện ung thư do nghi ngờ thiếu máu
Trước đó, chị N. có các biểu hiện chóng mặt, buồn nôn nhưng chỉ nghĩ là do thiếu máu. Khi đi khám tại 3 bệnh viện ở Thái Lan và Việt Nam, chị bất ngờ trước kết quả ung thư vú giai đoạn I.
Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan, chị không quá lo lắng. Trước khi phẫu thuật, nữ bệnh nhân bày tỏ ý muốn nếu các bác sĩ không thể phẫu thuật tạo hình hãy đặt túi thẩm mỹ.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
"Nhiều người khuyên can tôi làm như vậy sẽ có nguy cơ tái phát bệnh ung thư. Nhưng được gia đình ủng hộ, các bác sĩ tư vấn, tôi nghĩ mình còn nhiều lựa chọn để vừa đẹp, an toàn mà vẫn đảm bảo sức khỏe”, chị N. chia sẻ.
TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú, cho biết sau khi thăm khám, chỉ định làm đủ các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ, đánh giá vú phải bệnh nhân có tổn thương đơn ổ, chưa di căn nên các bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật bảo tồn. Tuy nhiên, việc đảm bảo điều trị về ung thư học vẫn là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Kíp phẫu thuật cũng tiến hành kiểm tra diện cắt phía kết hợp sinh thiết trong mổ, để việc thực hiện tạo hình vừa đảm bảo an toàn vừa mang tính thẩm mỹ cao.
Ngày 14/2, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ toàn bộ khối u kích thước 1,8 cm và treo sa trễ ngực phải, tạo hình tuyến vú cho bệnh nhân. Do nằm ở vị trí 1/4 dưới trong, khối u được đánh giá là rất khó để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm cùng với các kỹ thuật tiên tiến, bác sĩ đã lựa chọn phương pháp tạo hình J.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm, ngoài việc xử lý tối đa tổn thương ở ngực còn đảm bảo hài hòa hai yếu tố là cắt bỏ khối u trên diện rộng và xử lý treo sa trễ. Đường mổ là chữ J theo đúng viền ngực của bệnh nhân. Sau mổ, bệnh nhân chỉ có một đường ngang rất nhỏ ở ngực nên đảm bảo về mặt thẩm mỹ. Với đường mổ này, hạch nách cũng dễ dàng được xử lý thỏa đáng.
Sau ca phẫu thuật ngực phải của bệnh nhân được loại bỏ hoàn toàn khối u trú và treo sa trễ với tạo hình tròn đều, thẩm mỹ cao. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, đưa ra phác đồ điều trị và có thể phẫu thuật vú trái tạo cân đối hai bên khi bệnh nhân ổn định.
Cân nhắc kỹ khi có ý định đặt túi ngực
Vấn đề nâng ngực thẩm mỹ đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của chị em phụ nữ, đặc biệt ở độ tuổi 25-40. Chưa có cơ sở khoa học, nghiên cứu cụ thể nào chứng minh nâng ngực là yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho phái đẹp nên phẫu thuật tạo hình khi:
- Có bệnh lý cần tạo hình hoặc tái tạo như chấn thương, ung thư hay dị dạng bẩm sinh.
- Chỉnh hình sau khi các phẫu thuật tái tạo khác bị thất bại.
Ngoài ra, phụ nữ có nhu cầu làm đẹp để điều chỉnh về kích thước, hình dạng của tuyến vú cũng có thể lựa chọn nâng ngực, nhưng cần lưu ý về những vấn đề sau:
- Loại túi độn (túi trơn, túi nhám, túi ngực nước biển, silicon gel): Mỗi loại túi sẽ có ưu nhược điểm khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, cơ địa và hiện trạng ngực trước phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn giúp bạn lựa chọn túi đặt phù hợp.
- Kích thước túi độn cân đối với cơ thể. Bạn cần tư vấn cụ thể của bác sĩ theo chiều cao, cân nặng, da vùng ngực. Chị em không nên đặt kích thước quá lớn so với cơ thể vì điều đó sẽ gây nguy hại đến sức khỏe.
- Túi độn ngực không được bảo đảm để kéo dài suốt đời.
- Đặt túi ngực cũng không ngăn được sự thay đổi tự nhiên của cơ thể (khi tăng, giảm cân).
- Sau khi đặt túi ngực cần theo dõi, khám định kỳ.