Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm 2019 đến những ngày gần đây, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.
BS CKII Nguyễn Thanh Phong (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) đang khám cho cháu N.T.P. - Ảnh: X.MAI Tăng trong mùa nắngTheo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm 2019 đến những ngày gần đây, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chỉ tính riêng tháng 1-2019, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.600 trường hợp mắc SXH điều trị nội trú, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có khoảng 600 trường hợp. Đáng chú ý, đã có 2 trường hợp tử vong và nhiều trường hợp nặng phải thở máy, lọc máu.
Ghi nhận tại khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vào trưa 19-2, tất cả giường bệnh ở các buồng bệnh chật kín bệnh nhân. Dọc lối đi hành lang, nhiều bệnh nhân SXH phải kê thêm giường bệnh.
Người run cầm cập, da nổi nhiều mẩn đỏ, vùng niêm mạc trên mắt ửng đỏ, môi khô chảy máu, bệnh nhân N.T.P. (16 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nhập viện từ ngày 15-2 vì mắc SXH nặng.
Theo lời kể của chị H. - mẹ bệnh nhân P., vào những ngày nghỉ tết P. có đến rẫy cao su của người thân chơi vài lần. Khi về đến nhà, P. có biểu hiện nóng, sốt. Thấy thế, gia đình liền đưa P. đến hai phòng khám tư nhân gần nhà nhưng các bác sĩ đều kết luận bệnh nhân sốt siêu vi.
"Thấy con sốt cao cộng với mẩn đỏ li ti nổi dưới da, tôi nghĩ ngay đến SXH nhưng không hiểu sao cả hai phòng khám tư nhân đều chủ quan nói con tôi sốt siêu vi" - chị H. nói.
Giường bên, một gia đình có cha là bệnh nhân P.V.V. (41 tuổi) và con gái là bệnh nhân P.M.Y. (12 tuổi) đều mắc SXH. Theo người nhà các bệnh nhân, khu vực nhà anh V. ở gần chợ và khá nhiều muỗi.
Rất bất thườngBS Nguyễn Thanh Phong cho biết theo chu kỳ, bệnh SXH bắt đầu vào tháng 7 và tháng 8 hằng năm, đỉnh điểm mùa dịch rơi vào tháng 10 và tháng 11, sau Tết Nguyên đán bệnh sẽ có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại tình hình SXH tại khoa vẫn chưa "hạ nhiệt".
"Điều này khá bất thường và cho thấy tình hình SXH trong cộng đồng còn nhiều, vì thế chúng ta không nên chủ quan với SXH dù bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn chủ quan, lơ là nên khám bệnh trễ khiến bệnh trở nặng, diễn tiến phức tạp, đe dọa tính mạng" - BS Thanh Phong nói.
BS Thanh Phong cho biết qua thăm khám và trao đổi bệnh nhân, đa phần họ đều cho biết khi có biểu hiện sốt thì tự mua thuốc về điều trị, đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện.
Thời điểm nguy hiểm nhất và bệnh diễn tiến nặng nhất rơi vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 từ khi phát bệnh. Khi đó bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt nhưng lại xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu gây chảy máu, tụt huyết áp, suy gan, suy thận...
Theo BS CKII Nguyễn Thanh Phong, khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Tăng gấp 3 lần tại Cần ThơTheo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, hiện nay dù không phải mùa dịch SXH nhưng tình hình dịch SXH vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2018.
Số ca SXH tính đến ngày 19-2 của Cần Thơ là 160 trường hợp (so với cùng kỳ 2018 là 54 ca, tăng gấp 3 lần). Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, khoa SXH hiện đang điều trị cho 30 bệnh nhi. Bác sĩ Bùi Hùng Việt - trưởng khoa SXH - cho biết hiện số bệnh nhi mắc SXH vẫn nhập viện liên tục, gặp nhiều hơn ở nhóm trẻ lớn trên 10 tuổi.
Đề nghị sớm tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăngLý giải về tình hình SXH gia tăng, một chuyên gia của Cục Y tế dự phòng cho rằng hiện SXH là bệnh lưu hành quanh năm, không có yếu tố "mùa" như trước đây. Ở khu vực miền Bắc, số mắc trong tháng 12 của năm trước và tháng 1 và 2 năm kế tiếp có giảm do thời tiết lạnh, hoạt động của muỗi có lắng xuống, giảm lây truyền bệnh. Khu vực phía Nam nóng quanh năm, bệnh cũng ghi nhận quanh năm chứ không chỉ ghi nhận vào mùa mưa, từ tháng 5-6 trở đi như trước đây.
Để phòng bệnh, các chuyên gia y tế chia sẻ do SXH là bệnh chưa có văcxin phòng bệnh, nên quan trọng nhất vẫn là diệt nguồn lây truyền bệnh như diệt lăng quăng, diệt muỗi gây bệnh. "Mỗi năm có hai chiến dịch diệt muỗi và lăng quăng, chúng tôi đang đề nghị sớm tổ chức chiến dịch đợt 1, tổ chức sớm vì số mắc tăng nhanh trong thời điểm đầu năm cho thấy nguy cơ dịch sẽ gia tăng nếu không tập trung phòng chống sớm"- đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.
Nếu không xử lý sớm, nguy cơ SXH sẽ gia tăng rất mạnh ở khu vực phía Nam trong mùa dịch năm nay, do qua theo dõi về chu kỳ dịch gần đây thì SXH gia tăng lần lượt theo khu vực và năm nay là năm nguy cơ tăng ở khu vực phía Nam.