Chuyên khoa

BỆNH GIUN KIM NHẬN BIẾT, ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC

BỆNH GIUN KIM - NHẬN BIẾT ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC

Định nghĩa ca bệnh.

Ca bệnh lâm sàng: Trẻ em bị nhiễm giun kim thường ngứa và gãi hậu môn về đêm, quấy khóc về đêm; quan sát bằng mắt thường có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn. Khi trẻ đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim cái bám ở rìa khuôn phân. Giun kim có thể chui vào âm đạo gây viêm âm đạo hoặc rối loạn kinh nguyệt. Giun kim có thể chui vào ruột thừa và nếu bị bội nhiễm sẽ gây viêm ruột thừa.

Ca bệnh xác định: có trứng giun kim bằng xét nghiệm hoặc thấy giun kim cái ở rìa hậu môn.  

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với rối loạn tiêu hoá do các nguyên nhân khác.

Xét nghiệm:

Loại mẫu bệnh phẩm: phân

Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Scotch hoặc kỹ thuật của GS. Đặng Văn Ngữ. Phải lấy mẫu xét nghiệm vào lúc sáng sớm trước khi bệnh nhân đi đại tiện, những kỹ thuật xét nghiệm phân thông thường sẽ không phát hiện được trứng giun kim.
Kỹ thuật của GS. Đặng Văn Ngữ: dùng giấy bóng kính thấm nước (cellophan) một mặt có phết hồ dán trong suốt và được cắt thành từng mảnh 22 x 32 cm. Khi dùng, thấm một ít nước và mặt giấy có phết hồ rồi chùi vào các nếp rìa hậu môn của trẻ, sau đó dán lên phiến kính sạch và soi dưới kính hiển vi. Trứng giun kim hình bầu dục không cân đối, vỏ nhẵn, kích thước 50 - 60 mm x 30 – 32 mm. 

Tác nhân gây bệnh

- Tên tác nhân: Giun kim (Enterobius vermicularis).

- Hình thái: Giun kim có mầu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Miệng có 3 môi, những môi này có thể thụt vào trong miệng. Giun đực dài khoảng 2-5mm, đuôi cong và có gai sinh dục dài khoảng 70 mm. Giun cái dài 9 - 12 mm, đuôi dài và nhọn, hậu môn của giun kim cái cách mút đuôi khoảng 2 mm.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: trứng giun kim phải có thời gian phát triển ở ngoại cảnh mới có khả năng lây nhiễm. Ở nhiệt độ môi trường 300C, độ ẩm trên 70% và oxy thì sau 6 - 8 giờ trứng đã phát triển thành trứng mang ấu trùng và có khả năng lây nhiễm. Trứng giun kim không phát triển được ở nhiệt độ dưới 200C và trên 400C, ở nhiệt độ 600C trứng giun kim hỏng trong vài phút. Trong nước, trứng giun kim chết sau vài tuần.
Trứng giun kim không bị hỏng bởi hoá chất như sublime 0,1%, formalin 10%, xà phòng 2% và bị chết trong trong cresyl 10% sau 5 phút, trong cồn sau 1 giờ 40 phút.

Đặc điểm dịch tễ học: Giun kim cái chỉ đẻ trứng về đêm ở các nếp nhăn của hậu môn vật chủ nên thường không thấy trứng giun trong phân. Trứng giun khi đẻ ra đã có ấu trùng non. Tại các nếp nhăn hậu môn của vật chủ, trứng giun kim có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành ấu trùng cử động được. Do vậy người nhiễm giun kim dễ bị tự tái nhiễm nếu dùng tay gãi hậu môn có trứng giun sau đó cầm thức ăn, uống, hoặc mút tay ở trẻ nhỏ.

Nguồn truyền nhiễm

  • Ổ chứa: là người đặc biệt là trẻ nhỏ.
  • Thời gian ủ bệnh: không rõ ràng. Khi nuốt phải trứng giun có ấu trùng vào dạ dày, ấu trùng thoát vỏ, di chuyển đến manh tràng và thành giun trưởng thành sau 2 - 4 tuần.
  • Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian từ khi giun kim cái trưởng thành được thụ tinh và đẻ trứng. Giun kim đực sẽ bị chết sau khi thụ tinh cho giun kim cái. Giun kim cái đẻ khoảng 4.000-16.000 trứng. Sau khi đẻ hết trứng, giun sẽ teo lại và chết. Đời sống của giun kim khoảng 1-2 tháng.

Phương thức lây truyền

- Qua đường ăn uống: do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn uống, hoặc do mút tay ở trẻ nhỏ.

- Tuy nhiên giun kim còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng: Trứng giun kim phát triển thành ấu trùng tại các nếp rãnh hậu môn và nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này chui vào hậu môn và di chuyển ngược lên manh tràng để phát triển thành giun trưởng thành. Kiểu chu kỳ này hiếm gặp.

- Theo Vise, Rodenwaldt, Rocke Mann, có thể do ảnh hưởng của men tiêu hoá, do hàm lượng oxy trong ống tiêu hoá, giun kim có thể đẻ ở ruột, ấu trùng có thể phát triển thành giun trưởng thành ngay tại ruột.

Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun kim, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Các biện pháp phòng, chống dịch

Biện pháp dự phòng.

Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu, quần áo của trẻ em.

Vệ sinh phòng dịch: Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng sớm.

Biện pháp chống dịch. 

Tổ chức:  không bắt buộc.

Chuyên môn:

  • Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân:  không bắt buộc.
  • Quản lý người lành manh trùng, người tiếp xúc:  không bắt buộc.
  • Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ, đặc biệt là trẻ em từ 2-12 tuổi tẩy giun 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng.
  • Xử lý môi trường: phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải.

Nguyên tắc điều trị.

Nếu tập thể bị nhiễm cao phải điều trị hàng loạt để tránh tái nhiễm.

Thuốc điều trị giun kim: mebendazole 500 mg liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, điều trị nhắc lại sau 1 tháng với liều như trên. Hoặc dùng albendazole 400mg liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, điều trị nhắc lại sau 1 tháng với liều như trên.

*Chú ý: albendazole và mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận

 

Nguồn: Tài Liệu Bộ Y Tế

 

KHÁCH HÀNG CỦA CHÚNG TÔI

 

 

 

CÔNG TY TNHH Y KHOA HOÀNG MỸ SÀI GÒN

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HOÀNG MỸ SÀI GÒN
Địa chỉ : 50 Phan Huy Ích, Phường 15, Quận Tân Bình, TP. HCM.
CSKH: 0934 117 009 
Tư vấn: 0903 933 011 (Ms.Điểu)/ 0934 117 009 (Mr. Nhung)
Hotline: 0903 933 011 - 028.3815.1615
Email: hoangmysaigon@gmail.com
Giờ làm việc: T2-T7: 7h00-17h00 - CN: 7h00-12h00

Đăng ký nhận tin

Hotline: (028) 3815 1615 | Bệnh chứng Tư vấn ngay |Phương pháp trị Tư vấn ngay |Mã đặt hẹn Đặt hẹn