Người nhà bệnh nhân P.T.V. (72 tuổi, ở TPHCM) cho biết, trước khi nhập viện 10 ngày, bà V. bị té đập mông bên phải xuống đất (không rõ cơ chế chấn thương). Sau đó bà V. bị sưng đỏ, đau vùng mông phải nhưng không điều trị gì. Mãi cho đến khi bị sốt cao 2 ngày, lạnh run, sưng đỏ đau vùng mông bên phải nhiều hơn, bà V. mới đến Bệnh viện Nhân Dân 115.
Các bác sĩ thăm khám thấy 2 khối áp xe: khối áp xe ở 1/4 dưới - trong, vùng mông bên phải, đường kính 10 x 20 cm và khối áp xe ở 1/3 trên, mặt ngoài đùi phải đường kính 3x3 cm. Ngoài ra, bà V. còn có tiền căn tăng huyết áp - đái tháo đường type 2 - tai biến mạch máu não cũ.
Các cận lâm sàng nổi bật:
- Công thức máu: Bạch cầu: 19,10 k/ul, Neu: 88%
- CRP máu: 220 mg/l
- Siêu âm phần mềm: áp xe dưới da mông, đùi phải
- Cấy máu: Pseudomonas cepacia chỉ nhạy ofloxacin, polymicin B
- Cấy dịch sang thương: Staphylococcus aureus nhạy vancomycin, teicoplanin
Các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe mông đùi phải do Staphylococcus aureus.
Sau 5 ngày điều trị bằng các phương pháp: rạch ổ áp xe, bù nước và điện giải, thuốc kháng sinh phù hợp, thuốc ổn định đường huyết và huyết áp, chăm sóc vết thương mỗi ngày, bệnh nhân hết sốt, mông đùi phải bớt đỏ, bớt đau. Hiện tại, vết thương mông phải 10x10 cm sạch, đã lên mô hạt.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới BV Nhân Dân 115 khuyến cáo các trường hợp áp xe phần mềm cần phân tích kết quả vi sinh (cấy máu, cấy dịch sang thương) và theo dõi đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân để xem xét điều trị kháng sinh thích hợp, mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Nhân Dân 115