Việc tăng cân không chỉ ảnh hưởng tới vóc dáng mà còn gây ra những điều không tích cực cho sức khỏe, đặc biệt là những người bị mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch... Nhưng, làm thế nào để ăn Tết mà không tăng cân?
Cứ mỗi năm Tết đến, hẳn ai cũng quen thuộc cảnh đấu tranh: "Ăn, không ăn, ăn, không ăn..." vì một năm mới có một lần nhưng ăn nhiều thì lại sợ béo.
“Điệp khúc” tăng cân dịp Tết
“Tại sao chỉ mấy ngày Tết mà tôi tăng lên đến 3kg?” hay “Sao năm nào tôi cũng bị tăng cân vào dịp Tết, bụng mỡ to ra dù tôi không đụng vào miếng thịt mỡ nào?” là những thắc mắc thường gặp của chị em sau những ngày Tết Nguyên đán.
BSCK2. Nguyễn Viết Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, đây là thời điểm mà số bệnh nhân đến các trung tâm dinh dưỡng, các khoa dinh dưỡng khám và xin tư vấn giảm cân tăng lên đột biến. Để lý giải cho tình trạng này, dưới đây là những yếu tố khiến mùa Tết trở thành một “thách thức” với các chị em trong việc giảm cân, giữ dáng:
Nạp quá nhiều thức ăn giàu năng lượng: Món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam đa phần chứa nhiều đường, tinh bột và dầu mỡ như bánh chưng, bánh tét, hành kiệu, giò chả, lạp xưởng, thịt gà, thịt lợn, bia rượu, mứt, trái cây ngọt, các loạt hạt dưa, hạt bí... Những món ăn này sinh nhiều năng lượng (calo), tạo điều kiện cho mỡ trắng gia tăng. Thêm vào đó, việc tụ họp ăn uống triền miên trong dịp Tết cũng là nguyên nhân gây tăng cân bởi tích tiểu thành đại, cơ thể nạp năng lượng cả ngày dù đến mỗi nhà chỉ ăn trái cây, bánh chưng hay uống một vài ly bia chứ không ăn thịt, mỡ.
Không dành thời gian tập luyện: Bận bịu với kế hoạch về quê, thăm viếng, chúc Tết... nên hoạt động thể thao khó duy trì trong dịp này khiến năng lượng nạp vào tăng nhưng không được tiêu hao dẫn đến tích tụ thêm mỡ trắng trong cơ thể, kết quả là các vòng eo, bụng, đùi... thêm phì ra.
Sinh hoạt không điều độ: Tết được quan niệm là dịp “ăn chơi” nên sinh hoạt thường bị xáo trộn như ngủ trễ, ngủ ít, ăn không đúng bữa, uống ít nước, ăn ít rau xanh, ngồi nhiều... khiến cân nặng dễ tăng lên. Nghiên cứu khoa học cho thấy, ngủ ít ảnh hưởng đến hoạt chất leptin làm tăng tích tụ mỡ trắng, tăng hormon ghrelin kích thích thèm ăn và ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các hormon đốt cháy calo dư thừa trong cơ thể.
Nôn nóng giảm cân nhanh: Với mong muốn mặc vừa bộ quần áo diện Tết hay lấy lại vóc dáng thon gọn để tự tin quay lại công sở, không ít người đã liều chọn những cách giảm cân cấp tốc, gây nguy hại đến sức khỏe như thanh lọc cơ thể, nhịn ăn; uống chanh, giấm, thuốc xổ, thuốc lợi tiểu, nhuận tràng; tắm ốm hay các cách khác “cưỡng ép” cơ thể giảm cân từ bên ngoài. Thực chất những cách này làm mất nước, “cắt” nguồn dinh dưỡng để ép cơ thể sụt ký trong thời gian ngắn mà không có cơ chế giảm trúng đích “thủ phạm” gây tăng cân là mỡ trắng. Do vậy, với cơ chế bù năng lượng kèm nguồn thực phẩm dồi dào trong dịp Tết, cơ thể nhanh chóng về mốc cân nặng ban đầu thậm chí tăng cân.
Vậy làm thế nào để ăn Tết mà không tăng cân?
Bác sĩ CK I Trần Thị Minh Nguyệt (PCT HĐQT NutiFood), chia sẻ rằng: “Muốn đảm bảo sức khỏe, giữ gìn vóc dáng cần chú ý “vui Tết” là chính và “ăn Tết” một cách khoa học”.
Theo BS Nguyệt, muốn “ăn Tết” một cách khoa học, chúng ta cần:
Ăn vừa đủ no, cho dù món ăn có hấp dẫn đến đâu.
Ăn đa dạng, đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn (kể cả khi đi dự tiệc) gồm các nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau củ và trái cây.
Ăn đủ bữa: Cố gắng duy trì bữa ăn gia đình trong dịp Tết càng gần bình thường càng tốt, đủ ba bữa chính trong ngày. Hạn chế ăn vặt, ăn sau 20 giờ là những nguyên nhân dễ gây tăng cân. Nên chuẩn bị các loại thức ăn phù hợp cho từng đối tượng và sắp xếp giờ ăn thích hợp với việc đi chơi, thăm viếng bạn bè.
Vào những ngày lễ Tết, để giảm béo rất nhiều người nghĩ rằng bỏ bữa sáng hoặc bữa trưa. Điều này sẽ giúp bạn tăng ít cân hơn. Trên thực tế, đây là một quan niệm sai lầm. Khi bạn bỏ bữa, khả năng cao là bạn sẽ ăn nhiều gấp đôi trong bữa tiếp theo.
Hạn chế thức ăn giàu năng lượng: Với các thức ăn giàu đạm, giàu béo, bánh chưng, bánh tét... phổ biến trong ngày Tết, nên ăn kèm nhiều rau xanh, dưa giá, dưa chuột... giúp giảm tải trong việc hấp thu các chất béo, ngọt và chỉ ăn vừa phải. Hạn chế thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ nên chế biến hấp, luộc.
Các loại bánh mứt ngọt rất giàu năng lượng, chỉ nên nhón vài miếng uống trà cho vui, nên thay các loại bánh mứt, kẹo ngọt bằng các loại hạt rất tốt cho sức khỏe như hạt điều, hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt sen sấy...
Hạn chế những loại thực phẩm giàu năng lượng để tánh tăng cân ngày Tết
Không nên dùng các loại nước giải khát, nước tăng lực, xirô chứa nhiều đường, có thể thay bằng nước ngọt dành cho người ăn kiêng, nước dừa, nước trái cây tươi không đường hoặc ít đường.
Hạn chế đồ uống có cồn: Rượu, bia là món không thể thiếu trong dịp Tết nhưng về mặt dinh dưỡng, rượu là chất có hại cho cơ thể, độ cồn trong rượu càng cao, tác dụng độc càng mạnh, rượu bia cũng chứa một lượng năng lượng đáng kể. Vì vậy, dù vui đến mấy cũng chỉ nên uống rượu bia thật chừng mực, đủ để kích thích ăn ngon và vui vẻ với không khí Tết.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học cần chú ý duy trì các hoạt động vận động thể dục, thể thao ít nhất 30 phút/ngày, vận động giúp tăng cường sức khỏe, tiêu hao năng lượng, giúp hạn chế tăng cân”.
Ngoài ra, giờ giấc trong ngày nghỉ Tết tất nhiên là không thể theo đúng thời khóa biểu, đặc biệt là giấc ngủ. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, mất sức sống và còn có thể khiến cơ thể bạn tăng cân như là một phản ứng của stress. Vậy nên dù bạn bận rộn với những bữa tiệc, những cuộc du xuân thì nên cố gắng ngủ đủ tám tiếng một ngày có một mùa Tết thêm trọn vẹn, như vậy mới ăn Tết mà không tăng cân.