Thoái hóa khớp gối là một dạng viêm khớp phổ biến, mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp cho tính mạng nhưng lại gây ra cơn đau mãn tính. Đây là nguyên nhân gây ra suy giảm chức năng vận động ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác cho sức khỏe.
Thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối nằm ở đầu dưới của xương đùi, đầu trên xương chày, mặt sau xương bánh chè và được bao phủ bởi sụn khớp. Khớp gối là bộ phận vận động nhiều nhất và chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể, do đó, rất dễ bị thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối là tình trạng lớp đệm giữa các khớp bị mài mòn, từ đó khiến xương giữa các khớp cọ xát với nhau dẫn đến đau, sưng cứng, giảm khả năng di chuyển, hình thành các gai xương.
Nguyên nhân thoái hóa khớp gối do đâu?
Tuổi tác cao là nguyên nhân thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Theo thời gian, khả năng tự chữa lành của sụn sẽ bị giảm dần nên hầu hết mọi người khi lớn tuổi đều bị bệnh thoái hóa khớp. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối phải kể đến như:
Di truyền: Gia đình có cha mẹ ruột hoặc anh chị em ruột từng mắc thoái hóa khớp gối thì nguy cơ di truyền là rất cao.
Cân nặng: Thừa cân, béo phì quá mức sẽ làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối. Điều này khiến sụn khớp nhanh hao mòn và hỏng dần theo thời gian.
Giới tính: Phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới. Nguyên nhân là do dây chằng trước yếu hơn và thói quen đi giày cao gót sẽ gây áp lực trực tiếp lên sụn.
Lười vận động: Lười luyện tập thể dục, thể thao sẽ khiến các cơ bị lỏng lẻo, thiếu sự linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch.
Dinh dưỡng không hợp lý: Ăn uống thiếu chất khiến dịch khớp ít tiết chất nhờn, uống nhiều rượu bia khiến sụn khớp dễ bị phá hủy,...Đặc biệt, thiếu vitamin D để tổng hợp canxi cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh lý khác: Gout, tiểu đường, béo phì, viêm khớp dạng thấp, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bàn chân bẹt,...đều gây ảnh hưởng xấu đến xương khớp và sụn.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp gối có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng, ngoài ra, còn được chẩn đoán bằng hình ảnh.
Triệu chứng lâm sàng
- Đau âm ỉ ở vùng khớp gối: Đau tăng lên khi vận động, thay đổi tư thế, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi. Đau diễn ra theo từng đợt, dài ngắn khác nhau tùy từng trường hợp, có trường hợp đau liên tục và tăng dần.
- Hạn chế vận động: Các hoạt động đi bộ, lên xuống cầu thang, ngồi ghế đứng dậy, ngồi xổm,...đều xuất hiện cơn đau.
- Khớp biến dạng: Các gai xương mọc ra, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch sẽ khiến cho khớp gối bị biến dạng.
- Ngoài ra, còn xuất hiện một số triệu chứng: Phát ra tiếng kêu lục cục trong khớp, teo cơ, sờ thấy các “chồi xương” ở quanh khớp gối, tràn dịch khớp gối,...
Chẩn đoán bằng hình ảnh
Để xác định bị thoái hóa khớp gối bệnh nhân cần thực hiện khám xương khớp bằng siêu âm, chụp X-quang, chụp MRI,...Từ hình ảnh, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác.
Chụp X-quang sẽ cho thấy những biểu hiện rõ ràng của thoái hóa khớp gối với 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Xuất hiện gai xương nhỏ
- Giai đoạn 2: Thấy rõ gai xương ở khớp gối
- Giai đoạn 3: Khe khớp bị hẹp vừa
- Giai đoạn 4: Khe khớp bị hẹp nhiều, xương dưới sụn bị xơ
Siêu âm khớp gối sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được sụn khớp gối đang gặp phải tình trạng gì. Một số hình ảnh có thể thấy được qua siêu âm như:
- Tràn dịch khớp gối
- Hẹp khe xương
- Gai xương
- Độ dày của sụn khớp
- Những mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp
- Màng hoạt dịch khớp
Qua hình ảnh MRI bác sĩ sẽ quan sát và phát hiện ra những tổn thương ở màng hoạt dịch, dây chằng và sụn khớp.
Cách điều trị thoái hóa khớp gối
Tùy theo từng giai đoạn bệnh mà sẽ có những phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối khác nhau. Bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị phù hợp giúp làm giảm triệu chứng thoái hóa khớp gối, phục hồi khả năng vận động bằng nội khoa hoặc ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Sử dụng các loại thuốc giảm đau tức thì, khôi phục khả năng vận động. Một số loại thuốc thường sử dụng trong đơn thuốc phải kể đến như:
- Thuốc chống viêm, giảm đau: Paracetamol, Acetaminophen,...
- Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc Naproxen, Ibuprofen,...
- Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamine, Chondroitin, Diacerein,...
- Thuốc tiêm khớp: Tiêm trực tiếp vào các khớp bị đau như: Corticosteroid, Acid Hyaluronic,...
Bên cạnh sử dụng thuốc thì bác sĩ còn kết hợp với các bài tập vận động chân, liệu pháp vật lý trị liệu như: Sử dụng nhiệt, sóng siêu âm,...
Lưu ý: Các loại thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa thoái hóa khớp gối thường áp dụng với trường hợp phương pháp nội khoa không còn hiệu quả, người bệnh bị hạn chế chức năng.
- Điều trị dưới nội soi khớp: Trị thoái hóa khớp gối bằng nội soi khớp áp dụng với bệnh nhân lớn tuổi hoặc không có điều kiện thay khớp,...
- Đục xương chỉnh trục: Sửa chữa sự biến dạng trục khớp và cải biến điểm tỳ của khớp, di chuyển trục chịu tải để khớp ít bị phá hủy nhất, trường hợp này thường áp dụng cho bệnh nhân bị lệch khớp gối.
- Phẫu thuật thay khớp: Khi các phương pháp khác không còn khả năng điều trị thì phẫu thuật thay khớp nhân tạo là phương pháp được chỉ định nhằm cải thiện khả năng vận động.
Thoái hóa khớp gối nguy hiểm như thế nào?
Tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng, nhưng thoái hóa khớp gối là nguyên nhân chính gây suy giảm chức năng vận động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt. Bệnh gây ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, rối loạn lo âu, mất ngủ. Đặc biệt, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng thoái hóa khớp gối phải kể đến như:
- Đau đớn, di chuyển, đi lại khó khăn
- Teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp, làm chi dưới cong vẹo
- Vôi hóa sụn khớp
- Biến chứng tiểu đường, gout, huyết áp, tim mạch
- Trường hợp nặng đối mặt với tàn phế, bại liệt suốt đời
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Một số biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối phải kể đến như:
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý để bảo vệ khớp.
- Luyện tập thể dục, thể thao đều đặn mỗi ngày để tăng độ linh hoạt cho khớp.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế rượu, bia, chất kích thích.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh thoái hóa khớp gối. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0903 933 011 để được tư vấn và hỗ trợ nhé