Kinh nguyệt đến quá sớm hoặc quá muộn, thời gian hành kinh kéo dài, đau bụng kinh dữ dội là những triệu chứng khi nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt.
Đây là một trong những hiện tượng rối loạn chức năng sinh lý phổ biến ở nữ giới hiện nay và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em.
Nguy cơ vô sinh từ rối loạn kinh nguyệt
BS Nguyễn Vũ Cẩm Tú - Chuyên khoa Nội - Sản - Nhi - Khoa Giám định - Viện Pháp y Quốc gia, cho biết: Đa số phụ nữ khi có kinh lần đầu tiên chu kỳ kinh nguyệt sẽ thay đổi, vòng kinh dài ngắn khác nhau hoàn toàn không phải là dấu hiệu bất thường gây rối loạn kinh nguyệt, sau khoảng 1 năm chu kỳ kinh sẽ đều và ổn định, trong lúc hành kinh có thể có những triệu chứng như: đau vùng bụng dưới, mệt mỏi, cáu gắt…
Rối loạn kinh nguyệt thường do nhiều nguyên nhân như: khối u, viêm nhiễm vùng sinh dục, lạc nội mạc tử cung, bệnh nội khoa, suy nhược cơ thể, dùng một số thuốc có chứa hoóc-môn không phù hợp hoặc sau khi tháo bỏ vòng tránh thai.
Rối loạn kinh nguyệt nếu không được điều trị kịp thời không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, tinh thần mà còn có thể gây ra thiếu máu, viêm nhiễm đường sinh dục, thậm chí vô sinh.
Bên cạnh đó, rối loạn kinh nguyệt còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân thuộc về thói quen, nếp sống, tâm trạng của từng người như tinh thần không ổn định, căng thẳng trong công việc, trong học tập, trong môi trường sống, điều kiện làm việc, tình cảm riêng tư; sống thiếu nề nếp; mất cân đối về dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu chất đạm, thiếu vitamin, chủ yếu là nhóm vitamin có liên quan trực tiếp đến hoạt động nội tiết sinh dục như vitamin A, C, E; thói quen hút thuốc, uống rượu…
Với những trường hợp vợ chồng lấy nhau trên 1 năm, có quan hệ tình dục đều đặn mà chưa có em bé thì cần đi khám để được xác định nguyên nhân.
Trường hợp kinh nguyệt không đều trong thời gian dài, thậm chí có khi 3 - 4 tháng không có kinh cũng là một trong những yếu tố khiến việc có thai gặp nhiều khó khăn.
Phòng tránh rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Với phái nữ, kinh nguyệt là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh lý bình thường. Vì vậy, mỗi phụ nữ cần có những kiến thức cơ bản về nó để có thể tự chăm sóc mình và ứng phó kịp thời với những bất thường có thể xảy ra.
Cần tạo cho mình một lối sống thoải mái, xây dựng chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng thần kinh và stress trong cuộc sống.
Nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng mỗi ngày để cung cấp đủ chất cho cơ thể. Các loại thực phẩm nên dùng trong thực đơn hàng ngày như: rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin B có trong thịt bò, cá, trứng, sữa… đều tốt cho bạn. Bạn cần hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều chất béo và các đồ uống như: cà phê, rượu, bia...
Vệ sinh phụ nữ đúng cách để tránh viêm nhiễm sinh dục, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục tác động xấu tới kỳ kinh và dễ dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
Có thể dùng cố định một loại thuốc điều kinh hợp với cơ thể để vừa giúp ích cho sức khỏe, da dẻ được hồng hào, vừa tác động tích cực vào chu kỳ kinh nguyệt, giúp nó trở nên ổn định hơn.