Cụ thể, về bệnh sởi, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 405 trường hợp mắc, chưa có tử vong.
Bệnh nhân phân bố rải rác tại 218 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các trường hợp mắc bệnh tản phát, không tập trung thành ổ dịch và rải rác từ đầu năm, hiện còn 9 ca bệnh đang điều trị.
Đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng sởi theo quy định.
Bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang gia tăng ở các quận, huyện của Hà Nội. Ảnh minh họa
Với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.351 trường hợp mắc, số mắc phân bố rải rác tại 290 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận ca bệnh tử vong.
Số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (giảm 95,8%, cùng kỳ năm 2017 ghi nhận 32.465 trường hợp). Hiện có 149 ca bệnh đang điều trị.
Bệnh tay chân miệng tại Hà Nội đã ghi nhận 1.711 trường hợp, phân bố rải rác tại 443 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, chưa ghi nhận ca bệnh tử vong. Hiện có 65 ca bệnh đang phải nhập viện điều trị.
Theo nhận định của các chuyên gia, dự báo dịch sởi có thể gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Nguyên nhân là do dịch sởi tại Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình dịch sởi trên Thế giới và tại Việt Nam (hiện đang gia tăng).
Năm 2018 - 2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014).
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95% - 97%), nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3%-5% trẻ không được tiêm vắc-xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh.
Bên cạnh đó hàng năm, thường xuyên có nhiều trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ làm tăng nguy cơ về bệnh.