Chu kỳ kinh nguyệt có đôi chút khác biệt ở mỗi người. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên của kỳ tiếp theo.
Chu kỳ kinh kéo dài từ 24 – 31 ngày vẫn được coi là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thấy kinh nguyệt của tháng nào đó rất khác so với những tháng còn lại, có thể đó là dấu hiệu cho biết sức khỏe có gì đó không ổn. Hãy đi khám nếu bạn thấy có bất cứ thay đổi nào quá khác biệt. 8 yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt mà bạn cần lưu ý.
1. Chế độ dinh dưỡng
Một nghiên cứu trong năm 2009 cho thấy, chế độ ăn nhiều chất xơ làm giảm nồng độ hormone estrogen và ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, có nồng độ estrogen quá cao cũng có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt bất thường. Chế độ ăn uống quá ít chất béo cũng có thể làm giảm chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Ăn một lượng chất béo thích hợp cũng rất cần thiết trong việc cân bằng kích thích tố.
2. Thời tiết
Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ bằng cách thay đổi tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể mà dẫn đến sự mất cân bằng hormone, gây ra kinh nguyệt thất thường. Bên cạnh đó, Tiến sĩ John Fejes, một bác sĩ sản phụ khoa ở Monterey, California cho rằng: "Thay đổi thời tiết có thể dẫn đến viêm âm đạo nấm men thường xuyên và nhiễm khuẩn."
3. Tập luyện cường độ cao
Việc tập luyện nghiêm ngặt thường xuyên, kết hợp với lượng chất béo trong cơ thể thấp sẽ gây sức ép cho cơ thể, khiến não ngừng sản sinh hoóc-môn sinh sản. Một nghiên cứu đã phát hiện ra một nửa số phụ nữ có cường độ tập luyện cao có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Kinh nguyệt chậm một vài ngày không có gì đáng lo, nhưng hãy đi khám nếu bạn bị chậm kinh quá 3 tháng. Tình trạng này gọi là vô kinh, có thể ảnh hưởng tới mật độ xương trong thời gian dài.
4. Trọng lượng cơ thể
Giống như dinh dưỡng và luyện tập, quá gầy có thể dẫn tới vô kinh tạm thời, giảm khả năng sinh sản dù bạn vẫn thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng thừa cân quá mức cũng là một vấn đề. Bởi vì khi ấy, quá nhiều estrogen có thể bị tích tụ trong cơ thể khiến kỳ kinh nguyệt nặng hơn và đôi khi, không đều.
5. Tuổi tác
Tuổi tác có tác động lớn đến chu kỳ của bạn. Các giai đoạn có xu hướng bất thường hơn trong tuổi dậy thì và giai đoạn tiền mãn kinh. Theo Samantha Butts, phó giáo sư sản phụ khoa tại Penn Medicine, ở một thời điểm nhất định, số lượng trứng trong buồng trứng của bạn giảm xuống do đó chu kỳ kinh nguyệt không ổn định.
6. Căng thẳng, lo lắng
Một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể làm cho thời gian "đèn đỏ" của bạn đến sớm hoặc muộn hơn chính là stress. Khi trải qua quá nhiều việc khiến bạn căng thẳng, lo lắng sẽ hiến các loại hormone adrenaline và cortisol tăng cao. Những loại hormone này tham gia trực tiếp vào việc ức chế phóng thích các loại hormone liên quan đến khả năng sinh sản. Kết quả tất yếu là khiến kinh nguyệt của bạn không đều.
Chị em có thể tránh hoặc giảm căng thẳng bằng cách hạn chế tức giận, chơi thể thao, thiền định, tập yoga... Đây là những cách đơn giản giúp tâm trạng của bạn cân bằng và vui vẻ hơn.
|
Căng thẳng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. |
7. Giấc ngủ
Chất lượng và số lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến estrogen, progesterone, hormone luteinizing (LH) và kích thích nang trứng (FSH). Leptin là một loại hormon đặc hiệu, phụ nữ cần ngủ đủ giấc để tạo ra lượng Leptin thích hợp và làm gián đoạn quá trình giải phóng leptin có thể gây chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Một trong những vấn đề về giấc ngủ đó là thiếu ngủ. Thiếu ngủ không không những gây mệt mỏi mà còn ảnh hưởng xấu tới chu kỳ kinh nguyệt. Thực tế, những phụ nữ có thời gian làm việc không cố định (như y tá hay tiếp viên hàng không) dễ có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Sự thay đổi nhịp sinh học ảnh hưởng tới các hoóc-môn sinh sản, từ đó tác động đến sự rụng trứng và chu kì kinh nguyệt.
8. Các hình thức tránh thai
Các hình thức tránh thai khác nhau ảnh hưởng đến mức hormone trong cơ thể khác nhau. Nhưng dù chọn cách “kế hoạch” nào, bạn nên biết rằng chúng sẽ có một số ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt. Các hình thức kiểm soát sinh, chẳng hạn như vòng tránh thai có thể khiến kỳ kinh nặng hoặc nhẹ hơn tùy thuộc vào loại vòng tránh thai.