Bệnh viêm túi lệ Chậm điều trị, khóc cả đời

Bệnh viêm túi lệ Chậm điều trị, khóc cả đời

1.ĐỊNH NGHĨA

Viêm túi lệ là một bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa, là tình trạng viêm mạn tính hoặc cấp tính tại túi lệ. Bệnh thường xảy ra thứ phát sau tắc ống lệ mũi bẩm sinh hoặc mắc phải.

2.NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân của viêm túi lệ

Nguyên nhân của viêm túi lệ thường do tác nhân vi sinh vật. Các vi sinh vật gây viêm túi lệ bao gồm vi khuẩn Gram-dương như Staphylococus epidermidis, Staphylococus aureus, Streptococus pneumoniae; vi khuẩn Gram-âm như: Pseudomonas aeruginosa, Hemophilus influenzae, Proteus, kể cả vi khuẩn kị khí như Propionibacterium acnes.

Viêm túi lệ có thể cấp tính hoặc mạn tính, hay gặp ở trẻ em và người lớn trên 40 tuổi. Thông thường chỉ viêm một bên mắt. Mầm bệnh gây viêm chủ yếu là tụ cầu vàng và liên cầu tan huyết.

3.CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

  • Viêm túi lệ biểu hiện ở hình thái mạn tính hoặc có những đợt viêm cấp tính.
  • Viêm túi lệ mạn tính
  • Chảy nước mắt thường xuyên, có thể kèm chảy mủ nhầy.
  • Dính mi mắt do các chất tiết nhầy.
  • Vùng túi lệ có khối nề, căng, ấn vào có mủ nhầy trào ra ở góc trong mắt.
  • Viêm kết mạc góc trong.
  • Bơm lệ đạo: nước trào qua lỗ lệ đối diện có nhầy mủ kèm theo.
  • Viêm túi lệ cấp tính
  • Có tiền sử chảy nước mắt, hoặc chảy nước mắt kèm nhầy mủ.
  • Đau nhức vùng túi lệ, có thể đau tăng lên khi liếc mắt vì phản ứng viêm có thể tác động đến cơ chéo dưới. Đau có thể lan ra nửa đầu cùng bên, đau tai hoặc đau răng.
  • Vùng túi lệ sưng, nóng, đỏ.
  • Túi lệ giãn rộng, lan ra phía dưới ngoài hoặc một phần ở phía trên.
  • Nếu quá trình nhiễm trùng nặng hơn, gây áp xe túi lệ.
  • Giai đoạn muộn hơn, có thể gây dò mủ ra ngoài da. Mủ nhầy thoát từ túi lệ ra ngoài qua lỗ dò này.
  • Toàn thân: mệt mỏi, sốt, đặc biệt các triệu chứng toàn thân thể hiện rõ hơn ở người già. Có thể có hạch trước tai.
  • Cận lâm sàng
  • Viêm túi lệ có thể được chẩn đoán dễ dàng dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà không cần đến các xét nghiệm chẩn đoán khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chụp phim cắt lớp vùng túi lệ và hốc mắt sẽ cho thấy rõ hình ảnh túi lệ bị viêm hay u túi lệ.
  • Xét nghiệm vi sinh vật: xác định loại vi sinh vật gây viêm túi lệ bằng xét nghiệm nhuộm soi, nuôi cấy mủ nhầy từ túi lệ.

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán xác định căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng:

  • Viêm túi lệ mãn: chảy nước mắt tự nhiên liên tục, bớm lệ quản có nhầy mủ trào ra ở điểm lệ đối diện.
  • Viêm túi lệ cấp: trước đó thường xuyên chảy nước mắt. Vùng túi lệ sưng nóng đỏ, đau nhức, có thể có dò mủ túi lệ.
Chẩn đoán phân biệt
  • Viêm kết mạc mạn tính: mắt đỏ, kết mạc cương tụ nhẹ. Bệnh nhân có thể chảy nước mắt. Bơm lệ đạo nước thoát tốt xuống miệng.
  • U túi lệ: bệnh nhân có khối u vùng góc trong mắt, có thể gây chảy nước mắt nếu u choán chỗ nhiều, gây tắc lệ đạo. U có mật độ chắc, ấn vài khối u không thay đổi và không có mủ nhầy trào ra ở lỗ lệ. Khi bơm lệ đạo nước thoát tốt hoặc nước trào ngược và không có nhầy mủ. Chụp cắt lớp sẽ phân biệt được   rõ u và viêm túi lệ.
  • U vùng túi lệ: u ở vùng túi lệ có thể gây chèn ép vào túi lệ, gây chảy nước mắt. U có mật độ chắc, ấn vào khối u không thay đổi về kích thước. Bơm lệ đạo nước thoát xuống miệng hoặc trào ngược nhưng không có nhầy mủ.
  • Áp xe vùng túi lệ: bệnh nhân không có tiền sử chảy nước mắt. Bơm lệ đạo nước có thể thoát xuống miệng, không có tắc lệ đạo. Tuy nhiên rất khó phân biệt giữa viêm túi lệ cấp và áp xe vùng túi lệ ở giai đoạn viêm cấp tính. Chẩn phân biệt dựa vào bơm lệ đạo sau khi qua giai đoạn viêm cấp. Sau khi điều trị bằng kháng sinh, hết viêm cấp, bơm lệ đạo nước thoát, không có tắc lệ đạo và viêm túi  lệ mãn tính.

4.ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc chung

- Điều trị nội khoa được áp dụng cho các trường hợp viêm túi lệ cấp để giải quyết tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Sau khi hết viêm cấp tính, bệnh nhân cần được điều trị phẫu thuật để loại trừ ổ viêm mãn tính tại túi lệ.

- Viêm túi lệ cần được điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi để giải phóng tình trạng tắc nghẽn và viêm mãn tính tại túi lệ. Nếu không mổ nối thông túi lệ mũi được, bệnh nhân cần được điều trị bằng phẫu thuật cắt túi lệ.

Điều trị cụ thể

Viêm túi lệ mạn tính

Thông lệ đạo: được chỉ định cho các trường hợp viêm túi lệ do tắc lệ đạo bẩm sinh. Thông lệ đạo làm giải phóng chỗ tắc ở ống lệ mũi, phục hồi lưu thông nước mắt. Nhờ vậy, không còn ứ đọng dịch viêm trong lòng túi lệ, hết viêm túi lệ.

Phẫu thuật nối  thông  túi  lệ  mũi:  phẫu  thuật  nhằm  tạo  ra  một đường thông mới từ túi lệ sang ngách mũi giữa. Có thể tạo đường thông này bằng phẫu thuật qua đường rạch da hoặc qua đường mũi, kết hợp với đặt ống silicon qua lệ quản xuống mũi.

Nếu không phẫu thuật nối thông túi lệ-mũi được, hoặc mổ nối thông túi lệ mũi thất bại, cần mổ cắt bỏ túi lệ để loại trừ ổ viêm và tránh các biến chứng như viêm túi lệ cấp hoặc nhiễm trùng tại bề mặt nhãn cầu.

Viêm túi lệ cấp tính

Điều trị viêm túi lệ cấp được chia làm 2 giai đoạn: điều trị viêm cấp tính và điều trị dự phòng tái phát, bao gồm cả việc điều trị nguyên nhân.

Điều trị viêm túi lệ cấp tính:

Dùng kháng sinh chống nhiễm trùng: dùng kháng  sinh  toàn  thân đường tiêm hoặc uống tùy theo mức độ nặng nhẹ của viêm túi lệ. Nên dùng các kháng sinh có phổ rộng. Có thể phối hợp kháng sinh. Sau khi tìm được tác nhân gây bệnh, nên dùng kháng sinh theo kết quả kết quả kháng sinh đồ.

Kháng sinh toàn thân: có thể dùng các kháng sinh phổ rộng theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch tùy theo mức độ viêm cấp.

Cefuroxime: liều 250 – 500mg/ngày x 2 lần/ngày x 5 – 7 ngày. Với trẻ em có thể dùng liều 10mg/kg x 2 lần/ngày x 5 – 7 ngày.

Kháng sinh nhóm quinolon: Ciprofloxacin: liều 250 – 500mg/ngày x 2 lần/ngày x 5 – 7 ngày. Không dùng thuốc nhóm này cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Kháng sinh nhỏ mắt: có thể dùng

Levofloxacin: nhỏ mắt 4 – 6 lần/ngày x 1 -2 tuần.

Moxifloxacin: nhỏ mắt 4 – 6 lần/ngày x 1 – 2 tuần.

Giảm phù nề: dùng các thuốc giảm phù nề

Alphachymotrypsin: uống 4 – 8mg/ngày x 1 – 2 lần/ngày x 5 – 7 ngày.

Giảm đau: dùng thuốc giảm đau nếu có đau nhức nhiều. Paracetamol: uống 10mg/kg x 2 – 3 lần/ngày.

Chích rạch áp xe : tháo bớt mủ ở ổ áp xe giúp cho bệnh nhân đỡ đau và lấy bệnh phẩm để nuôi cấy tìm tác nhân gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Có thể hút mủ qua đường lệ quản hoặc rạch trực tiếp vào túi lệ qua đường rạch ở da.

Điều trị dự phòng tái phát: điều trị nội khoa sẽ làm viêm túi lệ cấp ổn định rồi chuyển sang giai đoạn viêm túi lệ mãn tính trong vòng 1 -2 tuần. Để tránh viêm túi lệ cấp tái phát, bệnh nhân cần được tiếp tục điều trị bằng phẫu thuật nối thông  túi lệ mũi hoặc cắt bỏ túi lệ.

5.TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

- Nếu không được điều trị, viêm túi lệ mãn gây viêm kết mạc, viêm giác mạc. Viêm túi lệ mãn có các đợt viêm cấp, gây áp xe túi lệ thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt. Viêm túi lệ cấp có thể gây dò mủ ra ngoài da, viêm mi, hốc mắt.

- Nhìn chung các trường hợp viêm túi lệ mạn đều có thể điều trị khỏi bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi. Tỷ lệ khỏi bệnh sau phẫu thuật từ 85% - 95% tùy theo từng nghiên cứu. Các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi thất bại, có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt túi lệ. Tuy nhiên, sau  cắt túi lệ, bệnh nhân hết viêm túi lệ nhưng vẫn bị chảy nước mắt vì không phục hồi được chức năng lệ đạo.

6.PHÒNG BỆNH

Điều trị sớm các trường hợp tắc ống lệ mũi là biện pháp có hiệu quả để phòng viêm túi lệ mãn. Các trường hợp viêm túi lệ mãn được điều trị sớm thì sẽ tránh được biến chứng viêm túi lệ cấp.

Nguồn: Tài liệu Bộ Y tế

KHÁCH HÀNG CỦA CHÚNG TÔI

 

 

 

CÔNG TY TNHH Y KHOA HOÀNG MỸ SÀI GÒN

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HOÀNG MỸ SÀI GÒN
Địa chỉ : 50 Phan Huy Ích, Phường 15, Quận Tân Bình, TP. HCM.
CSKH: 0934 117 009 
Tư vấn: 0903 933 011 (Ms.Điểu)/ 0934 117 009 (Mr. Nhung)
Hotline: 0903 933 011 - 028.3815.1615
Email: hoangmysaigon@gmail.com
Giờ làm việc: T2-T7: 7h00-17h00 - CN: 7h00-12h00
----------------------------------------------------------

PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA NỘI TỔNG HỢP
Địa chỉ : 340A/2 ( mặt tiền ) Nguyễn Ảnh Thủ , P. Trung Mỹ Tây , Quận 12.
CSKH: Liên hệ trước khi đến khám: 089 84 99 363 , 089 8311 363.
Tư vấn: 0903 933 011 - 0934 117 009
Email: kieuphuoctho@gmail.com.  
Giờ làm việc: 16h30-20h30

Đăng ký nhận tin

Hotline: (028) 3815 1615 | Bệnh chứng Tư vấn ngay |Phương pháp trị Tư vấn ngay |Mã đặt hẹn Đặt hẹn