Tại sao bệnh đái tháo đường dễ gây ra biến chứng tim mạch

Lượt xem: 731


Biến chứng trên hệ thống tim mạch là nặng nề nhất và là nguyên nhân gây tử vong chủ yếu cho người bệnh đái tháo đường với 70% bệnh nhân đái tháo đường bị tử vong do biến chứng tim mạch.

Cứ mỗi 7 giây, lại có một người trên thế giới bị tử vong do bệnh đái tháo đường. Những số liệu trên cho thấy đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính cực kỳ nguy hiểm và nguyên nhân của sự nguy hiểm này là do người bệnh đái tháo đường có thể bị nhiều biến chứng nặng.

 
Đái tháo đường hiện nay được coi như một đại dịch của bệnh không lây. Theo liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2015, trên thế giới có 415 triệu người bị đái tháo đường và dự đoán đến năm 2040, con số này sẽ là 642 triệu người.
 
Ngoài những biến chứng cấp tính như tăng hay hạ đường huyết, bệnh đái tháo đường còn gây ra những biến chứng mạn tính nguy hiểm trên nhiều cơ quan khác nhau như mắt, thận, thần kinh, tim mạch, não và các mạch máu ở chi. Trong đó, biến chứng trên hệ thống tim mạch là nặng nề nhất và là nguyên nhân gây tử vong chủ yếu cho người bệnh đái tháo đường với 70% bệnh nhân đái tháo đường bị tử vong do biến chứng tim mạch.
 

 

Tại sao bệnh đái tháo đường dễ gây ra biến chứng tim mạch? Ảnh minh họa: Internet
Biến chứng tim mạch gồm những bệnh gì?

Các biến chứng tim mạch là những biến chứng xuất hiện trên nền xơ vữa các động mạch lớn và vừa. Biến chứng tim mạch bao gồm 3 nhóm bệnh lý chính:

- Bệnh mạch vành;
 
- Bệnh mạch máu não;
 
- Bệnh động mạch ngoại biên;

Nếu biến chứng xuất hiện trên động mạch vành (là mạch máu nuôi tim) bệnh nhân sẽ bị bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim,suy tim. Nếu biến chứng xuất hiện trên mạch máu não, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như cơn thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não hay xuất huyết não (gọi chung là tai biến mạch máu não). Còn nếu hệ thống máu ngoại biên mà thường gặp là các mạch máu ở chân, bệnh nhân có thể bị xơ vữa, hẹp, tắc động mạch ở chân.

Tại sao bệnh đái tháo đường dễ gây ra biến chứng tim mạch?

Bệnh đái tháo đường làm cho quá trình xơ vữa mạch máu xảy ra sớm hơn và tiến triển nặng hơn. Vì vậy, người bị bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch cao hơn so với người không bị đái tháo đường. Cụ thể, người bị đái tháo đường có nguy cơ bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não cao gấp 2 đến 4 lần người không bị đái tháo đường. Cũng vậy,so với người không bị đái tháo đường, người bị đái tháo đường có tỷ lệ bệnh động mạch ngoại biên cao gấp 2 lần và nguy cơ bệnh tiến triển nhanh dẫn đến phải phẩu thuật cắt đoạn chi trên mắt cá cao gấp 5 – 10 lần.

Những đối tượng nào dễ bị biến chứng tim mạch?

Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh lý tim mạch. Ngoài ra những đối tượng sau đây sẽ dễ bị mắc bệnh lý tim mạch hơn:

- Nam > 55 tuổi, nữ > 65 tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch càng cao
 
- Giới tính: nam giới có nguy cơ bệnh lý tim mạch cao hơn nữ giới, nhưng sau mãn kinh, tỷ lệ bệnh ở nữ tăng ngang hoặc cao hơn nam giới
 
- Người có lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực
 
- Người hút thuốc lá, uống rượu nhiều
 
- Béo phì đặc biệt là béo bụng
 
- Tăng huyết áp
 
- Rối loạn mỡ máu
 
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm (Nữ < 65 tuổi, Nam < 55 tuổi)
 
Phải làm gì để phát hiện sớm biến chứng tim mạch?

Để có thể phát hiện sớm sự hiện diện của các biến chứng tim mạch, người bệnh cần đi khám bệnh định kỳ để được các bác sĩ thăm khám và cho làm những xét nghiệm cần thiết để tầm soát bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần nắm rõ các triệu chứng đặc biệt là các triệu chứng sớm của bệnh để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng thậm chí có thể gây tử vong.

Đối với bệnh mạch vành, triệu chứng đặc trưng là cơn đau thắt ngực. Người bệnh sẽ có cảm giác đau nặng ngực vùng sau xương ức, đau như bóp nghẹt tim, lan lên cằm, vai trái và lan xuống mặt trong cánh tay trái.  Lúc đầu cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh làm việc gắng sức, sau đó cơn đau xuất hiện khi người bệnh làm những việc nhẹ thông thường và nặng hơn nữa cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ. Cơn đau thường chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, nếu cơn đau kéo dài quá 15 đến 20 phút, phải nghĩ đến tình trạng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra. Tuy nhiên, ở bệnh nhân đái tháo đường, triệu chứng của bệnh tim mạch đôi khi rất nghèo nàn và không điển hình làm người bệnh rất khó phát hiện và dễ bị bỏ qua.

Đối với bệnh mạch máu não, những cơn thiếu máu não thoáng qua là biểu hiện sớm của bệnh lý mạch máu não. Biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua rất đa dạng bao gồm chóng mặt, mất thăng  bằng, nhìn mờ, nhìn đôi, khó nuốt, nói khó hoặc yếu nửa bên người. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tai biến mạch máu não với các biểu hiện như đột ngột yếu liệt nửa người thậm chí có thể gây rối loạn tri giác ở các mức độ khác nhau.

Đối với bệnh động mạch ngoại biên, biểu hiện sớm nhất là tình trạng đau cách hồi, nghĩa là người bệnh có cảm giác đau chân, chuột rút sau khi đi bộ một quãng đường, triệu chứng này sẽ hết khi ngừng lại nghỉ ngơi và tái xuất hiện nếu tiếp tục đi bộ một quãng đường tương tự. Khi bệnh tiến triển nặng, triệu chứng đau cách hồi sẽ xuất hiện với quãng đường ngày càng ngắn. Cuối cùng, khi các mạch máu bị tắc hẹp hoàn toàn, tình trạng hoại tử các ngón chân, bàn chân có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trên người bệnh đái tháo đường, triệu chứng của các biến chứng tim mạch đôi khi rất mơ hồ và không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, việc thăm khám định kỳ để có thể phát hiện sớm và điều trị các biến chứng này là rất quan trọng.

Phải làm gì để phòng ngừa biến chứng tim mạch?

Để phòng ngừa biến chứng tim mạch, người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch bao gồm:
 

- Kiểm soát đường huyết, huyết áp, mỡ máu tốt.
 
- Giảm cân, phòng tránh béo phì đặc biệt là béo bụng.
 
- Hạn chế rượu bia, ngưng hút thuốc.
 
- Tăng cường vận động thể lực, tốt nhất nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Cách thức tập thể dục đơn giản nhất là đi bộ.

- Ngoài ra, người bệnh cần nắm rõ các triệu chứng sớm của biến chứng tim mạch và đi khám kịp thời khi có bất cứ triệu chứng gì nghi ngờ có liên quan đến biến chứng tim mạch.

Cuối cùng, việc thăm khám định kỳ có vai trò rất quan trọng đối với việc tầm soát, phát hiện và điều trị sớm các biến chứng tim mạch.

Share

Tin tức liên quan

Khám sức khỏe định kỳ tại Viện Kiểm Sát

Khám sức khỏe định Kỳ tại hệ thống Trường Việt Mỹ VASS khám...

Khám sức khỏe định kỳ tại hệ thống trường Việt Mỹ Vass

Với kinh nghiệm 13 năm đào tạo song ngữ ở tất cả các cấp học

Khám sức khỏe cty Mercedes-Benz Việt Nam Haxaco

Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) và nhà phân phối ủy quyền

Dấu hiệu thường gặp khi nhiễm Sán Chó

Bệnh sán chó xảy ra ở người khi nhiễm phải ấu trùng giun...

Tổng hợp các đánh giá của khách hàng trong tuần cuối tháng 11/2022

Tổng hợp những đánh giá của khác hàng trong tuần...