Sốt xuất huyết Dengue Bị một lần sẽ có miễn dịch mãi mãi
Lượt xem: 644
Nhiều người chủ quan khi nghĩ rằng đã mắc sốt xuất huyết Dengue một lần rồi sẽ không bị “tấn công” nữa. Điều này hoàn toàn sai lầm, bởi virus gây bệnh này có 4 tuýp huyết thanh, bạn miễn dịch chủng này, lần sau sẽ gặp chủng khác. Do đó, đừng chủ quan với muỗi vằn. Hãy tự bảo vệ mình bằng những kiến thức dưới đây.
Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn truyền vi rút từ người bệnh sang người lành khi muỗi đốt. Virus gây bệnh Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em.
Ước tính mỗi năm trên thế giới có 50-100 triệu người mắc sốt xuất huyết Dengue và có 3 tỷ người sống ở những nước có lưu hành sốt Dengue.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue xảy ra ở đâu, vào thời gian nào?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn truyền vi rút từ người bệnh sang người lành khi muỗi đốt
Sốt xuất huyết dengue chủ yếu được truyền bởi một loại muỗi (Aedes aegypti), phân bố ở tất các các nước nhiệt đới. Muỗi Ae. aegypti và các loài muỗi khác như Ae. albopictus có khả năng thích nghi rất cao, và sự phân bố kết hợp của chúng có thể làm lan truyền bệnh sốt Dengue lên phía Bắc, qua châu Âu hay Bắc Mỹ, vào mùa hè.
Dịch sốt dengue có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nếu muỗi Aedes aegypti vẫn hoạt động. Song nhìn chung độ ẩm và nhiệt độ cao là những điều kiện thuận tiện cho muỗi phát triển, làm tăng khả năng truyền bệnh.
Ở nước ta, bệnh thường tăng nhiều vào các tháng mùa mưa, có nhiệt độ trung bình cao. Khu vực miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Cứ khoảng 3-5 năm một lần lại có một vụ dịch sốt xuất huyết Dengue lớn hơn xảy ra, điều này có thể liên quan đến chu kỳ thay đổi của khí hậu làm tăng nhiệt độ và mức độ mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo như thế nào?
Thời gian ủ bệnh tính từ lúc bị muỗi đốt đến khi phát bệnh là 3-6 ngày, có khi kéo dài đến 15 ngày.
Bệnh này có những triệu chứng giống như cúm như: Đau họng, viêm kết mạc, chảy nước mắt, đau khớp, viêm cơ vân, cơ trơn nên hay đau cơ, nhất là cơ lưng kèm sốt cao 39 - 40 độ C.
Các triệu chứng kèm theo: Khát nước, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, da khô, có khi vã mồ hôi nóng lạnh bất thường. Xét nghiệm có bạch cầu không cao, tiểu cầu giảm, rối loạn các chỉ số máu đông máu chảy.
Sau ba đến năm ngày là hạ sốt, đôi khi một hai ngày sau có thể sốt lại một, hai ngày trước khi hết sốt hẳn (nếu ghi biểu đồ nhiệt độ tạo thành chữ V= Virus).
Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn biến chứng nặng xảy ra vào ngày thứ 3-7 sau khi bệnh khởi phát. Khi đó, người bệnh có thể lui sốt, nhưng KHÔNG có nghĩa là đang hồi phục.
Ngược lại, cần phải đặc biệt theo dõi những dấu hiệu cảnh báo sau, vì bệnh có thể tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng: Đau bụng cấp, nôn dai dẳng, chảy máu chân răng, nôn ra máu, thở gấp, mệt mỏi/ bứt rứt.
Khi nghi ngờ mắc bệnh nặng, bệnh nhân cần được đưa ngay đến phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi biến chứng sốt xuất huyết Dengue rất nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao.
Do đó, chúng ta không nên chủ quan và cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm này (từ ngày thứ 4-7), bằng cách đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu.
Sốt là một trong những triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Điều trị sốt xuất huyết Dengue như thế nào?
Hiện chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám để có chỉ định từ bác sĩ. Nếu nhẹ, trong 3 ngày đầu chưa có biến chứng nên điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước có pha pha bột điện giải oresol (pha 1.000ml nước/gói uống hằng ngày.
Có thể uống thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp. Nhưng không được uống aspirin hay ibuprofen vì những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng (nêu ở trên), phải lập tức đi khám bác sĩ và nhập viện để điều trị bệnh.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong ca bệnh là dưới 1%. Tuy nhiên, nhìn chung bệnh nhân phải trải qua những triệu chứng rất khó chịu.
Làm thế nào để phân biệt với sốt do vi rút khác?
Trong giai đoạn nhiễm vi rút huyết, biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue không khác nhiều so với các bệnh sốt vi rút khác. Trong mùa dịch sốt xuất huyết Dengue nếu xuất hiện sốt, đau đầu nhiều, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu diễn biến nặng.
Xét nghiệm quan trọng nhất để hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết Dengue là xét nghiệm công thức máu. Nó giúp thầy thuốc quyết định có cần truyền dịch, truyền máu hay không, số lượng cần truyền bao nhiêu. Xét nghiệm này có thể thực hiện được ở tất cả các bệnh viện và hầu hết các phòng khám khu vực.
Sốt xuất huyết có tái phát không?
Những người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus Dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, như đã nói ở trên virus gây bệnh này có 4 tuýp huyết thanh. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị nhiễm các chủng virus khác và tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng. Điều đó có nghĩa là, bạn không được chủ quan, vì căn bệnh có thể quay trở lại “tấn công” bạn với chủng virus khác.
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue
- Nằm nghỉ trong phòng thoáng mát từ 7-10 ngày. Ngủ màn.
- Theo dõi nhiệt độ thường xuyên, chườm mát cơ thể.
- Theo dõi sát người bệnh đặc biệt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 để phát hiện dấu hiệu bệnh nặng.
- Uống nhiều nước (oresol, nước đun sôi để nguội, nước trái cây nhưng không dùng loại có màu đỏ, đen để theo dõi tránh nhầm với xuất huyết đường tiêu hóa, đường tiểu).
- Ăn đủ chất, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa.
- Thực hiện theo đơn thuốc và tái khám theo lời dặn của bác sĩ.
Không muỗi vằn, không sốt xuất huyết Dengue
Dọn nhà cửa sạch sẽ, không để nước tù đọng xung quanh nhà, diệt muỗi... sẽ giúp bạn tránh xa sốt xuất huyết Dengue. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Để phòng tránh sốt xuất huyết Dengue, cần tránh bị muỗi đốt. Phòng tránh cá nhân bằn cách diệt muỗi trong nhà, nằm màn, mặc quần áo dài tay sử dụng hương muỗi hoặc các hóa chất xua đuổi côn trùng. Phòng bệnh cho tập thể bằng cách bảo đảm vệ sinh môi trường, diệt ấu trùng muỗi (loăng quăng) bằng cách thả cá, làm lưới đậy cho những chum, bể nước, loại bỏ các vật dụng, mảnh vỡ đọng nước. Khơi thông các vũng nước đọng và phun thuốc diệt muối nếu môi trường có quá nhiều muỗi trưởng thành.
Share
Tin tức liên quan
Khám sức khỏe định kỳ tại Viện Kiểm SátKhám sức khỏe định Kỳ tại hệ thống Trường Việt Mỹ VASS khám...
Khám sức khỏe định kỳ tại hệ thống trường Việt Mỹ VassVới kinh nghiệm 13 năm đào tạo song ngữ ở tất cả các cấp học
Khám sức khỏe cty Mercedes-Benz Việt Nam HaxacoMercedes-Benz Việt Nam (MBV) và nhà phân phối ủy quyền
Dấu hiệu thường gặp khi nhiễm Sán ChóBệnh sán chó xảy ra ở người khi nhiễm phải ấu trùng giun...
Tổng hợp các đánh giá của khách hàng trong tuần cuối tháng 11/2022Tổng hợp những đánh giá của khác hàng trong tuần...