Các triệu chứng không thể xem thường của bệnh sởi

Lượt xem: 738


Sởi thường xảy ra ở đối tượng trẻ em và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt... Bởi vậy cha mẹ nên nắm rõ các triệu chứng bệnh để hạn chế những tác nhân gây bệnh cho bé.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi dễ lây lan và lây lan trong cộng đồng rất nhanh qua đường hô hấp hoặc lây qua vật trung gian: Tiếp xúc dịch khi dùng chung khăn rửa, bàn chải, điện thoại, tay cầm cửa… có chứa dịch của người bệnh sởi.

Những người đã từng bị sởi hoặc đã tiêm vắc-xin phòng sởi thông thường sẽ có miễn dịch cả đời và không bị lây nhiễm từ người bệnh sởi. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chưa có kháng thể virus sởi trong máu thì tỉ lệ lây nhiễm sẽ rất cao, lên tới hơn 90%.
 
Triệu chứng điển hình khi mắc bệnh sởi

Bệnh sởi thường diễn biến theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 là thời điểm ủ bệnh, bệnh nhân không có biểu hiện gì cho dù đã nhiễm phải virus sởi.

Giai đoạn 2 là lúc bệnh xuất hiện những biểu hiện bệnh lí như mệt mỏi, chán ăn, sốt, đau đầu, đặc biệt nước mắt và nước mũi sẽ xuất tiết nhiều hơn, mắt đỏ… Bệnh nhân có thể nhầm với bệnh cảm thông thường.
 
Cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng để có biện pháp phòng bệnh sớm nhất cho trẻ. Ảnh minh họa

Ở giai đoạn 3, giai đoạn phát ban, sốt cao và kết thúc bệnh lí, bệnh nhân có thể sốt tới 39 độ C. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, tình trạng sốt cao có thể kéo dài. Hiện tượng nổi ban thường xuất hiện trong khoảng 1-2 ngày, phát ban toàn cơ thể hoặc không toàn cơ thể.

Các nốt ban sẽ thường mọc từ phần đầu, tóc, vùng tai, dùng tay sờ lên bề mặt da phát ban sẽ thấy cồm cộm mà không được nhẵn như bình thường. Nốt ban không có mủ, không đau, không ngứa. Hiện tượng phát ban mất dần đi hay mọc từ đầu và lan hết xuống chân thì kèm theo sốt cũng giảm hơn.

Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém. Bệnh nhi thường sốt cao kèm viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, phát ban…

Các dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm: Nổi ban sẩn, mịn như nhung: Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân; Ban biến mất theo thứ tự đã mọc.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.

Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. 
 
Một số lưu ý khi trẻ mắc sởi

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), để phòng bệnh hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng - 2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Đặc biệt, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là nơi tập trung đông trẻ em nên cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo. Người mắc sởi cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban.

Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế. 

Share

Tin tức liên quan

Khám sức khỏe định kỳ tại Viện Kiểm Sát

Khám sức khỏe định Kỳ tại hệ thống Trường Việt Mỹ VASS khám...

Khám sức khỏe định kỳ tại hệ thống trường Việt Mỹ Vass

Với kinh nghiệm 13 năm đào tạo song ngữ ở tất cả các cấp học

Khám sức khỏe cty Mercedes-Benz Việt Nam Haxaco

Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) và nhà phân phối ủy quyền

Dấu hiệu thường gặp khi nhiễm Sán Chó

Bệnh sán chó xảy ra ở người khi nhiễm phải ấu trùng giun...

Tổng hợp các đánh giá của khách hàng trong tuần cuối tháng 11/2022

Tổng hợp những đánh giá của khác hàng trong tuần...